Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã không ngừng củng cố sức mạnh và gia tăng ảnh hưởng với chính sách đối ngoại cởi mở, không chỉ thông qua các hoạt động ngoại giao cấp cao, mà còn thông qua con đường ngoại giao "nhân dân tệ" hay ngoại giao văn hóa.
Trước tiên, phải nói tới nền tảng cơ bản để Trung Quốc củng cố quyền lực - đó chính là tốc độ tăng trưởng kinh tế phi thường trong 30 năm qua. Trải qua quá trình cải cách mở cửa gần 40 năm, sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự… của Trung Quốc đã tiến vào hàng ngũ nhóm các nước đứng đầu thế giới.
Năm 2017, giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt 82.700 tỷ nhân dân tệ (hơn 12.100 tỷ USD), chiếm khoảng 15% tổng lượng kinh tế thế giới; tỷ lệ đóng góp của Bắc Kinh vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên tới hơn 30%. Dự báo, năm 2018, GDP của Trung Quốc đạt mức 13.200 tỷ USD, vượt qua quy mô của nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3.690 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của gần 130 quốc gia và khu vực, đồng thời là thị trường nhập khẩu tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trung Quốc còn là nước có dự trữ ngoại hối, đầu tư ra nước ngoài và hệ thống công nghiệp hoàn thiện nhất thế giới.
Với những bước tiến mạnh mẽ về tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã và đang từng bước triển khai một cách đồng bộ các chính sách nhằm gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã chấm dứt thời kỳ “giấu mình chờ thời” để vươn ra thế giới. Từ tháng 3/2013, thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức, trọng tâm và phương pháp chính sách ngoại giao Trung Quốc đã có hàng loạt dấu mốc điều chỉnh lớn, tương ứng với sự thay đổi phát triển của môi trường quốc tế.
Số lượng các hoạt động ngoại giao chủ động của Trung Quốc thực hiện ở cấp độ song phương và đa phương tăng nhanh. Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện tại các hội nghị đa phương hiện có (như G20), đồng thời củng cố các tổ chức mới do Trung Quốc sáng lập (như Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, khuôn khổ hợp tác khu vực hoặc Hội nghị thượng đỉnh “Vành đai và con đường” - BRI).
Chủ tịch Tập Cận Bình đã đi thăm khoảng 60 quốc gia trên thế giới, tiếp đón hơn 110 nguyên thủ nước ngoài đến Trung Quốc. Những hoạt động ngoại giao quan trọng này không những giúp tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng quốc tế về Trung Quốc và nâng cao vị thế của Bắc Kinh, mà còn hoạch định phương hướng giải quyết nhiều vấn đề có tính toàn cầu.
Điểm nội bật là Trung Quốc không ngừng tìm cách củng cố "sức mạnh mềm" thông qua công cụ quan trọng là “ngoại giao đồng nhân dân tệ”. Nói cách khác là tham gia vào các dự án đầu tư, các chương trình phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tại nhiều nước và khu vực trên khắp thế giới, trong đó phải kể đến sáng kiến BRI kết nối các lục địa Á - Phi - Âu.
Trong 5 năm qua, các khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại các nước nằm trong “tầm ngắm” của Bắc Kinh đã lên tới hơn 60 tỷ USD và giá trị các dự án được các công ty Trung Quốc ký kết tại những quốc gia này đã đạt hơn 500 tỷ USD. Trong thập niên tới, Trung Quốc dự kiến đầu tư tới 5.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng xuyên lục địa, kết nối trung tâm công nghiệp của nước này với các thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới ở Tây Âu. Siêu dự án này dự kiến sẽ bao trùm 64 quốc gia trên khắp 4 châu lục (châu Á, châu Đại Dương, châu Phi và châu Âu), chiếm 62% dân số thế giới và khoảng 1/3 GDP toàn cầu.
Các ngân hàng chính sách của Trung Quốc, cụ thể là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Thương mại Trung Quốc, sẽ có vai trò trung tâm trong việc cấp vốn cho sáng kiến cơ sở hạ tầng liên lục địa đầy tham vọng này. Với siêu dự án này, ở góc độ ảnh hưởng địa chính trị, Trung Quốc có thể giành được chỗ đứng trên khắp các quốc gia thuộc "chuỗi ngọc trai" có vị trí chiến lược, cụ thể là Seychelles, Chittagong (Bangladesh) ở phía Đông tới Hambantota (Sri Lanka) và Gwadar (Pakistan) ở phía Tây trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, BRI cũng đảm bảo để Trung Quốc tiếp cận được các nguồn tài nguyên quý hiếm, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của nước này tại các khu vực Đông Nam Á, Tây Á và Trung Á giàu tài nguyên. Thông qua BRI, Trung Quốc có thể toàn cầu hóa các tiêu chuẩn công nghệ và công nghiệp của nước này trên khắp các thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, tăng cường ngoại giao nhân dân, giáo dục, trao đổi văn hóa, quảng bá các giá trị Trung Hoa ra thế giới cũng là một kênh quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tận dụng tối đa để gia tăng “sức mạnh mềm”.
Trung Quốc hiện là nước đứng đầu châu Á, đứng thứ 3 thế giới về thu hút sinh viên nước ngoài sau Mỹ và Anh. Nhiều sinh viên nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc. Năm 2016, có 442.431 sinh viên nước ngoài từ hơn 200 nước học tập và nghiên cứu ở Trung Quốc, tăng 35% so với năm 2012. Với việc các trường đại học Trung Quốc đang ngày càng tăng thứ bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, tốc độ quốc tế hóa nhanh chóng, chính sách khuyến khích các sinh viên nước ngoài học tập ở Trung Quốc, cùng với chi phí học tập và sinh sống ở đây dễ chịu hơn so với các nước phương Tây, Trung Quốc sẽ sớm trở thành điểm đến hàng đầu cho các sinh viên quốc tế.
Cùng với các sáng kiến kết nối đa phương như BRI, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á… sự thành công của nền kinh tế, tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, những tiến bộ nghiên cứu và khoa học, thành công trong các lĩnh vực thể thao và văn hóa của Trung Quốc sẽ tiếp tục giúp tăng cường “quyền lực mềm” của Bắc Kinh trong tương lai.
Có thể thấy, Trung Quốc đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài, không chỉ ở châu Á, mà đã vươn mạnh sang cả châu Phi, châu Âu và Nam Mỹ. Thông qua chính sách đối ngoại thực dụng, Trung Quốc đang từng bước thực hiện tham vọng tới năm 2050 sẽ trở thành cường quốc có vai trò toàn cầu và tầm ảnh hưởng dẫn đầu thế giới...