Hãng thông tấn TASS dẫn báo cáo của WHO cho biết trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 444.500 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Ngày ghi nhận số lượng người mắc thấp nhất kể từ đầu năm nay là hôm 26/1 với 424.200 ca, trong khi ngày có số ca cao nhất là hôm 10/1 với 870.800 ca.
Theo ước tính của TASS, tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 đã giảm tại đa số quốc gia thuộc nhóm 20 nước mắc COVID-19 nhiều nhất. Tại Mỹ, quốc gia này ghi nhận 125.500 ca mới trong một ngày, tức chưa bằng 1/2 so với hồi đỉnh dịch tháng 1.
Tỷ lệ lây nhiễm đã giảm hơn 50% tại Brazil, Colombia và Argentina và giảm 2/3 tại Mexico. Peru là trường hợp ngoại lệ duy nhất khi vừa bước vào làn sóng lây nhiễm mới.
Châu Âu cũng ghi nhận số ca nhiễm mới thấp hơn tại phần lớn trong số 20 nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất. Tại Italy, trong 24 giờ qua, chỉ ghi nhận dưới 8.000 ca nhiễm – tỷ lệ thấp kỷ lục kể từ giữa tháng 10/2020.
Tại Cộng hòa Séc, tỷ lệc mắc COVID-19 đã giảm còn 84% so với hồi tháng 1, tại Đức là 75% và tại Anh, Ba Lan và Ukraine là 66%. Trong khi đó, Pháp là một ngoại lệ của châu Âu do số ca nhiễm mới vẫn duy trì gần mốc 20.000 người mỗi ngày. Trong 10 ngày đầu tháng 1, Tây Ban Nha đã rơi vào làn sóng lây nhiễm thứ ba và mạnh nhất kể từ khi bùng phát đại dịch.
Ấn Độ trong 24 giờ qua có thêm 8.600 bệnh nhân mới – tỷ lệ thấp nhất từ tháng 6/2020 và chỉ bằng 1/12 so với đỉnh dịch kỷ lục hồi tháng 9 năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận dưới 8.000 ca nhiễm mới một ngày – giảm gần 1/2 so với đỉnh dịch tháng 1. Trong khi đó, Indonesia lại là một ngoại lệ ở khu vực châu Á. Tình trạng dịch bệnh tại đây đang trong giai đoạn tăng mạnh, gần 12.000 – 14.000 ca/ngày.
Ở Nam Phi, tỷ lệ mắc mới cũng trên đà giảm do chỉ ghi nhận thêm 2.500 ca một ngày. Đây là con số thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2020. Trong tháng 1, quốc gia này từng có đến trên 20.000 ca mắc một ngày.
Kể từ khi bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019 đến nay, toàn cầu đã có 102,5 triệu ca lây nhiễm SARS-CoV-2. Virus này đã khiến trên 2,2 triệu người tử vong.