Theo CNN, nguyên mẫu tên lửa có tên gọi Starship SN9 là niềm hy vọng của Space X về một tên lửa sẽ đưa những con người đầu tiên lên sao Hoả.
Trong vụ phóng ngày 2/2, SN9 được thử nghiệm một chuyến bay ở tầm cao mới. Phương tiện này di chuyển được vài dặm trên không trung, nhưng sau đó đã nổ tung khi trở lại bệ phóng.
Ba động cơ của tên lửa đã bắt lửa, tắt và sau đó kích hoạt lại để hạ cánh theo kế hoạch. Tuy nhiên, tên lửa Starship SN9 đã nổ tung thành một quả cầu lửa khi trở lại bệ phóng. HIện chưa rõ sự cố xảy ra do sai sót ở đâu. (Xem video dưới - nguồn: CNBC)
Kỹ sư John Insprucker của SpaceX cho biết rằng phần lớn chuyến bay thử nghiệm "có vẻ rất tốt" và các kỹ sư có thể thu thập dữ liệu để giúp cải thiện thiết kế của Starship trong suốt chuyến bay – một quãng đường khoảng 10 km theo độ cao.
"Chúng tôi đã chứng minh khả năng chuyển động cơ sang các thùng chứa thuốc phóng để hạ cánh, quá trình quay cận âm trông rất tốt và ổn định", ông Insprucker nói. "Chúng tôi chỉ phải xử lý với phần hạ cánh đó một chút”.
Vụ phóng thử đã diễn ra sau khi nguyên mẫu tên lửa cao trên 48 mét bị mắc kẹt trên bệ phóng của nó ở Texas vào cuối tuần qua.
Theo Cục Hàng không Liên bang (FAA), tên lửa đã sẵn sàng cất cánh cho vụ phóng thử vào tuần trước, nhưng phải đình lại vì SpaceX đã vi phạm thỏa thuận an toàn công cộng với các cơ quan quản lý liên bang trong một lần phóng thử trước đó.
FAA, cơ quan giám sát không phận Mỹ cũng như cấp phép cho các vụ phóng tên lửa, đã ra lệnh cho SpaceX ngừng hoạt động tại các cơ sở thử nghiệm của công ty này ở Nam Texas "có thể ảnh hưởng đến an toàn công cộng".
Đến ngày 27/1, FAA cho biết họ đi tới kết luận rằng SpaceX đã thực hiện "hành động khắc phục" và hiện đang tuân thủ các quy tắc an toàn công cộng, mở đường cho vụ phóng thử diễn ra ngày 2/2.
Trước đó, ngày 10/12/2020, tàu Starship SN8 cũng đã nổ tung khi tiếp đất trong cuộc thử nghiệm bay lên độ cao lớn từ cơ sở của SpaceX ở Texas. Mục tiêu của lần bay thử này là phóng cao 12,5 km, thực hiện một số thao tác phức tạp trên không, sau đó hạ cánh an toàn gần bệ phóng.
Phiên bản SN8 cao 50 m hoàn thành gần như mọi mục tiêu đề ra, trừ hoạt động cuối cùng. Phương tiện tiếp đất quá nhanh, phát nổ và biến thành cầu lửa lớn khoảng 6 phút 42 giây sau khi cất cánh. Tuy nhiên, điều này dường như không ảnh hưởng tới tinh thần của nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành SpaceX, Elon Musk. Ông vẫn chúc mừng đội ngũ SpaceX.
Trước đó, Musk đã dự đoán SN8 chỉ có 1/3 cơ hội hạ cánh nguyên vẹn khi đó là chuyến bay thử phức tạp và khó khăn hơn bất kỳ thử nghiệm nào mà nguyên mẫu Starship từng thực hiện.
SpaceX đang phát triển tàu Starship để chở người và hàng hóa tới Mặt Trăng, sao Hỏa và nhiều địa điểm xa xôi khác trong vũ trụ. Hệ thống bao gồm tàu vũ trụ bằng thép không gỉ Starship lắp 6 động cơ Raptor và tên lửa khổng lồ Super Heavy với 30 động cơ Raptor. Cả hai phương tiện đều có thể tái sử dụng hoàn toàn. Tàu Starship đủ mạnh để tự phóng từ Mặt Trăng và sao Hỏa, nhưng vẫn cần tên lửa Super Heavy để thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất.
SpaceX muốn Starship và Super Heavy đi vào hoạt động sớm. NASA đang cân nhắc sử dụng tàu Starship để đưa phi hành gia hạ cánh trên Mặt Trăng trong chương trình Artemis, dự kiến bắt đầu năm 2024.
SpaceX hiện đang cố gắng đáp ứng khung thời gian trên bằng cách phát triển nhanh các nguyên mẫu và bay thử thường xuyên tại cơ sở ở Nam Texas. Phiên bản SN9 và SN10 khá giống SN8, nhưng có thêm nhiều cải tiến nhỏ. Những nâng cấp quan trọng sẽ được tiến hành trên nguyên mẫu SN15.