Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe tại thủ đô Harare ngày 8/4, tỷ phú người Nigeria cho biết ông đã thông báo với Tổng thống Mugabe về kế hoạch đầu tư vào ba lĩnh vực bao gồm năng lượng, xi măng và khai khoáng. Ông Dangote nhấn mạnh kế hoạch đầu tư trọn gói này sẽ giúp Zimbawe “tìm lại đà tăng trưởng kinh tế vốn có của mình”.
Trước mắt, Dangote Group, tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú có tổng giá trị tài sản khoảng 10,6 tỷ USD này, sẽ đầu tư 400 triệu USD vào dự án xây dựng một nhà máy sản xuất xi măng có công suất hàng năm lên tới 1,5 triệu tấn và đây sẽ là nhà máy xi măng có sản lượng lớn nhất tại Zimbabwe.
Hiện tại, ngoài việc sở hữu cổ phần chi phối tại nhiều nhà máy xi măng lớn trải dài khắp châu Phi, tập đoàn Dangote Group của tỷ phú Aliko Dangote cũng là cổ đông lớn tại các dự án khai thác dầu khí, chế biến thực phẩm và bất động sản tại lục địa này.
Trước đó, ngày 4/3, Chính phủ Zimbabwe thông báo kể từ đầu năm đến nay, nước này đã mời gọi và huy động thành công các khoản vay trị giá 985 triệu USD từ các định chế tài chính nước ngoài nhằm vực dậy nền kinh tế ốm yếu của nước này. Các tổ chức cho Zimbabwe vay nhiều nhất trong khoản vay này bao gồm Ngân hàng Xuất nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) với 641 triệu USD, Ngân hàng Thương Mại và Phát triển châu Phi (TDB, 152 USD) và Chính phủ Botswana (95 triệu USD).
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 1/3 đã kêu gọi khoản viện trợ nhân đạo trị giá 234 triệu USD cho Zimbabwe, trong bối cảnh hơn 5 triệu người Zimbabwe, tương đương gần 1/3 dân số nước này, đang phải đối mặt với nạn đói. Theo LHQ, khoản viện trợ 234 triệu USD cũng chỉ đủ hỗ trợ cho khoảng 2 triệu người bị tác động nặng nề nhất.
Trên thực tế, từ năm 2009, Zimbabwe đã bắt đầu "đôla hóa" nền kinh tế do siêu lạm phát. Năm 2016, Ngân hàng trung ương Zimbabwe đã ban hành “tiền trái phiếu” - một loại tiền thay thế có giá trị tương đương đồng USD - để bù đắp sự thiếu hụt USD trong hệ thống tiền tệ. Từng được coi là vựa lúa mỳ thịnh vượng của châu Phi, Zimbabwe đang phải vật lộn với hạn hán, tỷ lệ thất nghiệp cao, tình trạng thiếu hụt các mặt hàng cơ bản và khủng hoảng ngoại hối.