Các lái xe của Uber hiện được coi là lao động tự do, tức là theo luật họ chỉ được bảo vệ ở mức tối thiểu. Trong nhiều năm qua, công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon đã tìm cách duy trì quy chế này qua các tiến trình pháp lý.
Ngày 19/2, Thẩm phán George Leggatt nêu rõ Tòa án Tối cao Anh bác bỏ kháng cáo của Uber, đồng thời nhấn mạnh phán quyết nhằm bảo vệ “những cá nhân dễ bị tổn thương có ít hoặc không có tiếng nói về lương và các điều kiện làm việc của họ”. Theo đó, tòa đã giữ nguyên phán quyết mà các tòa án cấp dưới lần lượt đưa ra vào các năm 2016, 2017 và 2018. Phán quyết này ủng hộ nhóm 20 lái xe Uber khẳng định họ được hưởng quyền lợi của nhân viên như nghỉ có hưởng lương, được nghỉ giải lao....
Trong phản ứng của mình, đại diện Uber khẳng định: “Chúng tôi tôn trọng phán quyết của tòa vốn tập trung vào một số ít lái xe từng sử dụng ứng dụng Uber vào năm 2016. Chúng tôi cam kết nỗ lực hơn nữa và sẽ tham khảo ý kiến các lái xe đang hoạt động tại Anh để hiểu được những mong muốn thay đổi của họ”.
Uber lưu ý phán quyết của tòa không áp dụng đối với toàn bộ 60.000 lái xe tại Anh, trong đó có 45.000 người tại London. Với số nhân lực này, London trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của Uber trên phạm vi toàn cầu.
Trong nền kinh tế gig (nền kinh tế của những công việc tạm thời, ngắn hạn), các lao động có xu hướng làm việc ngắn hạn cho nhiều công ty cùng lúc mà không có hợp đồng chính thức hoặc không đảm bảo giờ giấc. Các nghiệp đoàn chỉ trích nền kinh tế này mang tính bóc lột, trong khi các doanh nghiệp nói rằng nhiều lao động trong nền kinh tế này có thời gian linh hoạt. Phán quyết trên có thể ảnh hưởng đến nhiều nền tảng trực tuyến khác đang tham gia nền kinh tế gig tại Anh.