Theo ba quan chức Séc và Slovakia, nỗ lực này đánh dấu lần đầu tiên có một nước cung cấp xe tăng cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự nhằm vào nước láng giềng hôm 24/2. Cả Séc và Slovakia – nước có đường biên giới với Ukraine, cũng đang tính đến giải pháp tiềm năng về mở cửa các cơ sở, nhà máy quốc phòng để sửa chữa, cải tiến thiết bị quân sự của Ukraine bị hư hại.
Ban đầu, nhiều nước phương Tây dự đoán Kiev sẽ sụp đổ chỉ sau vài ngày Nga tấn công quân sự. Các nước này trang bị cho Ukraine chủ yếu các hệ thống vũ khí vác vai, như tên lửa chống tăng NLAW, Javelin hay Stinger. Tại cuộc hội thảo tài trợ cho Ukriane được tổ chức tại London hồi tuần trước, đại diện 35 quốc gia tham dự cam kết sẽ cung cấp cho Kiev pháo tầm xa, hệ thống tên lửa phòng không, xe chiến đấu bộ binh, nhưng không có viện trợ xe tăng.
Đến thời điểm này, Séc đã chuyển giao cho Ukraine gần hai chục xe tăng biến thể T-72M từ thời Liên Xô đã được nâng cấp – Theo Thứ trưởng Quốc phòng Tomas Kopecny. Séc cũng cung cấp cho Kiev một số hệ thống pháo lựu, xe chiến đấu bộ binh BMP-1. Nguồn tài chính để cung ứng số vũ khí này do chính phủ Séc và các nhà tài trợ tư nhân của Séc đảm bảo.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 5/4 tuyên bố các nước thành viên trong liên minh đang tìm cách bổ sung các hệ thống vũ khí hiện đại cho Ukraine, vũ khí phòng không, tên lửa Javelin. Theo ông Stoltenberg NATO nhìn nhận nhiều khả năng Nga sẽ tấn công lớn ở miền đông nam Ukraine trong vài tuần tới và vì thế muốn đẩy nhanh nỗ lực tiếp ứng cho Kiev.
Về phần mình, Moskva lâu nay cảnh báo việc các chuyến hàng viện trợ quân sự của nước ngoài cho Ukraine là “mục tiêu tấn công hợp pháp” đối với các lực lượng Nga. Tuy nhiên, đến nay Nga vẫn chưa cho thấy thực lực ngăn chặn dòng vũ khí, trang bị vẫn đang được chuyển vào Ukraine hàng ngày từ biên giới các nước Ba Lan, Romania, Slovakia.