Theo báo Anh Telegraph, ngay khi Ngoại trưởng Dmytro Kuleba bắt đầu chuyến công du, ông tuyên bố ông muốn thảo luận về "sự tham gia của các quốc gia châu Phi vào các nỗ lực toàn cầu nhằm khôi phục nền hòa bình công bằng cho Ukraine và thế giới".
Tuy nhiên, cả chuyến đi của ông tới Malawi, Zambia và Mauritius đã bị lu mờ bởi cơn giận dữ từ một số quốc gia châu Phi khác sau khi Kiev tiết lộ đã hỗ trợ lực lượng phiến quân Tuareg.
Sau khi ám chỉ Ukraine đã cung cấp thông tin tình báo cho phiến quân, phương tiện truyền thông Ukraine đã công bố một bức ảnh cho thấy các chiến binh Tuareg đang vẫy cờ Ukraine.
Thông tin và hình ảnh này đã khiến hai quốc gia bao gồm Mali và Niger – hai quốc gia có lực lượng Nga đồn trú - cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine, trong khi một khối quyền lực khu vực Tây Phi cảnh báo về sự can thiệp của nước ngoài. Cụ thể, Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi lên án "bất kỳ nỗ lực nào nhằm kéo khu vực này vào các cuộc đối đầu địa chính trị hiện tại".
Sự cố trên không chỉ làm nổi bật cuộc chiến giành ảnh hưởng đang diễn ra ngoài các chiến trường châu Âu mà còn cho thấy Ukraine phải nỗ lực thế nào để đuổi kịp tầm ảnh hưởng của Nga ở châu Phi và những nguy cơ tiềm ẩn khi can thiệp.
Ulf Laessing, Giám đốc chương trình Sahel tại tổ chức nghiên cứu Đức Konrad Adenauer Foundation, lý giải: “Hiện tại, sự ủng hộ Nga lan rộng khắp Sahel và Tây Phi. Ukraine nói rằng họcó góp sức trong việc sát hại người Nga, điều đó không được chấp nhận. Đây là một sai lầm khi thừa nhận họ đã góp phần vào một cuộc tấn công vào thời điểm mà người châu Phi đang cảnh giác với các hành động can thiệp của nước ngoài”.
Ngay từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine trong năm 2022, nhiều quốc gia châu Phi vẫn giữ thái độ trung lập, từ chối lên án chiến dịch hoặc tham gia các lệnh trừng phạt, trong khi những quốc gia khác dường như nghiêng về phía Moskva.
Một số quốc gia cho biết họ từ chối bị lôi kéo vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới vì một cuộc xung đột cách xa hàng nghìn kilomet và phản đối những nỗ lực của phương Tây nhằm thao túng chính sách đối ngoại của họ.
Một số nhà lãnh đạo vẫn luôn coi trọng sự viện trợ của Liên Xô trong cuộc đấu tranh giải phóng ngày trước, trong khi một số nước dựa vào sự bảo vệ quân sự từ Moskva để chống lại các nhóm phiến quân.
Đi đầu trong nỗ lực giành ảnh hưởng của Nga ở châu Phi kể từ năm 2017 là nhóm lính đánh thuê Wagner. Nhóm này, được đổi tên thành Quân đoàn châu Phi, đã cung cấp viện trợ quân sự cho các quốc gia bao gồm Mali, Cộng hòa Trung Phi, Mozambique, Sudan, Libya.
Trước phản ứng từ Mali và Niger, ông Andriy Yusov – người phát ngôn của cơ quan tình báo quân sự Ukraine – cho biết những tuyên bố của ông về việc Ukraine hỗ trợ phiến quân Tuareg đã bị hiểu sai. Kiev cho rằng Mali đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine "mà không tiến hành kiểm tra kỹlưỡng các sự kiện và hoàn cảnh”.
Theo nhà phân tích Laessing, Kiev có thể đã cung cấp một lượng nhỏ đào tạo hoặc trang thiết bị, nhưng có khả năng họ đã cường điệu hóa sự tham gia của mình. Cũng theo ông này, nếu Ukraine muốn truyền tải được thông điệp của mình, nên tránh nói đến một số loại xung đột độc hại và nhạy cảm với các hành động can thiệp từ nước ngoài.