Quyền Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 5/4 dọa sẽ đưa nước Nga láng giềng ra tòa án trọng tài để giải quyết cuộc tranh cãi về giá khí đốt giữa 2 nước, vốn có thể làm gián đoạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Phát biểu tại cuộc họp chính phủ, ông Yatsenyuk nói rằng quyết định tăng giá khí đốt của Nga là một hình thức “tấn công kinh tế” vào các doanh nghiệp công nghiệp và người dân Ukraine. Ông nhấn mạnh Kiev sẽ áp dụng mọi biện pháp với Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom để giải quyết tình hình trong đó có cả các biện pháp pháp lý-quốc tế.
Một trạm cung cấp khí đốt gần thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP |
Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga trong tuần qua đã tăng giá khí đốt bán cho Ukraine từ 2,5 USD lên 485,5 USD/1.000 m3 sau khi hủy bỏ các mức giá ưu đãi trước kia. Ukraine cũng đã phải tăng mạnh giá khí đốt trong nước lên từ 29-71%.
Cùng ngày, tại Đại hội đảng Liên minh Dân chủ-Thiên Chúa giáo (CDU), Thủ tướng Đức và cũng là chủ tịch đảng này Angela Merkel tuyên bố để ngỏ khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga trong bối cảnh tình hình căng thẳng gia tăng tại Ukraine liên quan bán đảo Crimea (Crưm), và nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đạt đồng thuận về vấn đề này. Bà Merkel cho rằng không nên dừng các nỗ lực giải quyết tình hình bằng con đường ngoại giao.
Đây là tuyên bố mạnh bạo đầu tiên của nhà lãnh đạo Đức so với những phát biểu của bà trước đây khẳng định khủng hoảng ở Ukraine cần được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị thay vì áp đặt thêm những trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Các chuyên gia Đức đều cho rằng án phạt kinh tế đối với Nga sẽ có tác động tiêu cực ngược trở lại tới nền kinh tế Đức, do hiện nay có tới 6.000 công ty của Đức với 300.000 việc làm đang có quan hệ kinh doanh với đối tác Nga, tổng đầu tư đạt 20 tỷ euro.
TTXVN/Tin tức