Chính phủ Ukraine ngày 7/4 thông báo ghi nhận 481 ca tử vong và 5.587 ca nhập viện trong 24 giờ qua, đều ở mức cao nhất kể từ đầu dịch đến nay.
Nhiều tháng nay, hệ thống y tế lạc hậu của Ukraine phải vật lộn đối phó với sức ép do dịch bệnh lây lan. Riêng tại thủ đô Kiev, thị trưởng Vitali Kilitschko cảnh báo hệ thống y tế sẽ khó trụ vững nếu không ngăn được đà lây lan của dịch, các bệnh viện sẽ rất nhanh không còn giường điều trị. Từ ngày 5/4, chính quyền thủ đô đã thắt chặt các biện pháp hạn chế như đóng cửa các trường mầm non và tiểu học, đồng thời áp dụng lệnh hạn chế đi lại.
Kể từ đầu dịch, Ukraine ghi nhận trên 1,7 triệu ca mắc COVID-19 trong số 40 triệu dân, trong đó có trên 35.000 ca tử vong.
Chiến dịch tiêm chủng của Ukraine cũng đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung. Hiện nước này mới có 500.000 liều vaccine của AstraZeneca và 215.000 liều vaccine của Trung Quốc. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 6/4 thông báo theo thỏa thuận mới ký với Pfizer, 10 triệu liều vaccine của hãng sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2021.
* Tại Hungary, số ca mắc mới COVID-19 không tăng tuy nhiên số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị trong bệnh viện vẫn rất cao, trong bối cảnh nước này bắt đầu dần mở cửa trở lại nền kinh tế ngày 7/4. Có nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về việc Hungary quyết định nới lỏng các hạn chế, bởi tỷ lệ tử vong bình quân đầu người do COVID-19 tại nước này vẫn cao, với trên 22.000 ca tử vong trong tổng dân số 9,8 triệu người.
Chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban cho biết việc nới lỏng hạn chế được quyết định căn cứ vào tỷ lệ tiêm chủng vaccine. Đến nay, ít nhất 2,5 triệu người, tức 1/4 dân số Hungary, đã được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine. Chiến dịch tiêm chủng được đẩy nhanh từ tháng trước sau khi chính phủ Hungary quyết định hoãn tiêm mũi thứ 2 để tăng số người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Hungary là thành viên duy nhất trong Liên minh châu Âu (EU) sử dụng các vaccine của Nga và Trung Quốc dù chưa được cơ quan quản lý của EU cấp phép.