Theo phóng viên TTXVN tại khu vực SNG, Cơ quan quản lý khu vực cách ly Ukraine cho biết đến ngày 21/9, tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã tích khoảng 20.000 m3 chất thải phóng xạ hiếm, được chứa trong 2 nhà kho.
Một nơi trú ẩn cho lò phản ứng số 4 bị hư hỏng (trái) và cấu trúc bảo vệ an toàn mới (NSC) tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine. Ảnh: Reuters |
Theo đánh giá của nhà máy, để xử lý được hết chỗ chất thải này cần khoảng 29 năm. Một vấn đề nữa là lượng chất thải sau xử lý sẽ tương đương 303.000 hộp chứa, số hộp chứa này phải được để trong các kho đặc biệt tại nhà máy “Vector” song sức chứa của nhà kho chỉ chứa được 70.000 hộp.
Hiện nhà máy Chernobyl mới chỉ có kế hoạch xây nhà kho mới để chứa chất thải phóng xạ nguy hiểm, dự kiến được đưa vào sử dụng vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, với thực trạng hiện tại, Phó Giám đốc nhà máy, Aleksander Skomarov cho rằng cần phải tìm kiếm biện pháp thu nhỏ thể tích sản phẩm cuối cùng từ nhà máy tái chế chất thải, cũng như giảm thể tích số chất thải cần tái chế hiện có.
Năm 1986, tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đã xảy ra sự cố nổ lò phản ứng và là thảm họa lớn nhất cho đến nay trong lịch sử ngành điện nguyên tử. Hậu quả là 50.000 km2 diện tích thuộc 12 tỉnh của Ukraine đã bị nhiễm xạ. 19 khu vực của Nga cũng bị ảnh hưởng với tổng diện tích nhiễm xạ lên tới 60.000 km2.
Belarus cũng là nước bị ảnh hưởng nặng nề với nhiều nguồn nước và không khí bị nhiễm xạ.