Trước đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố thỏa thuận thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine sẽ được gia hạn thêm 60 ngày (kể từ ngày 18/3 tới) theo các điều kiện trước đó.
Ông Grushko tuyên bố Moskva sẽ thúc đẩy để các cam kết của phương Tây với Nga về việc dỡ bỏ các hạn chế cung cấp nông sản của nước này ra thị trường thế giới được thực hiện. Ông cho biết tiến trình dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu nông sản của Nga đang diễn ra nhưng với tốc độ rất chậm. Hiện tại, phân bón của Nga cung cấp miễn phí cho các nước nghèo vẫn bị cản trở.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cùng ngày cũng tuyên bố "Nga không phản đối việc gia hạn thêm Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sau khi hết hạn lần thứ hai vào ngày 18/3, nhưng chỉ trong 60 ngày”. Ông Vershinin nêu rõ: “Lập trường tiếp theo của chúng tôi sẽ được xác định dựa trên tiến trình rõ ràng trong việc bình thường hóa xuất khẩu nông sản của chúng tôi, không phải (bằng) lời nói, mà bằng hành động".
Cả Ukraine và Nga đều là những nhà cung cấp lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương và các loại thực phẩm quan trọng khác cho thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và một phần châu Á.
Theo Liên Hợp quốc, hơn 24,1 triệu tấn lương thực các loại đã được xuất khẩu cho đến nay theo thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Gần một nửa số hàng xuất khẩu được vận chuyển theo thỏa thuận là ngô và hơn một phần tư là lúa mì. Khoảng 45% lượng hàng hóa xuất khẩu theo thỏa thuận này được chuyển đến các nước phát triển, trong đó quốc gia tiếp nhận nhiều nhất là Trung Quốc, tiếp theo là Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hà Lan.