Như vậy, hiện số lượng các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam đã lên đến 11, trở thành quốc gia có số lượng Khu dự trữ sinh quyển đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (19 khu).
Trong một tuyên bố, UNESCO cho biết Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển (CIC-MAB) đã công nhận thêm các Khu dự trữ sinh quyển của thế giới và mở rộng hoặc phân vùng lại 2 khu dự trữ sinh quyển hiện có tại Italy và Chile.
Hằng năm, UNESCO đều công nhận thêm các khu dự trữ sinh quyển thế giới nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, bảo hệ hệ sinh thái trên cạn, trên biển và ven biển, cũng như khuyến khích công tác bảo tồn. Đây là lần đầu tiên, các khu dự trữ sinh quyển của Lesotho, Libya và Saudi Arabia góp mặt trong danh sách.
Khu dự trữ sinh quyển Matseng ở Lesotho, có diện tích 112.033 ha, ở vùng cao nguyên miền Bắc, đôi khi được gọi là Vương quốc trên bầu trời, bởi chim đặc hữu được ưu tiên cao. Trong khi đó, Khu dự trữ sinh quyển Ashaafean của Libya, rộng 83.060 ha nằm trong núi Nafusa, với "rừng khô và đồng cỏ thảo nguyên ở phía Bắc và vùng siêu khô cằn ở phía Nam Sahara". Đây là nơi cư trú của các loài có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có như linh cẩu sọc và rùa đất. Còn Khu dự trữ sinh quyền Juzur Farasan của Saudi Arabaia, có diện tích 820.000 ha, nằm ở cực Tây Nam của nước này, giáp giới với Yemen, là nơi sinh sống của loài đước đỏ Rhizophora mucronate đang bị đe dọa và quần thể linh dương Idmi lớn nhất nước này, cùng nhiều loài chim biển, bò sát và sinh vật biển.
Trong danh sách các Khu dự trữ sinh quyển mới của thế giới có 2 khu xuyên quốc gia, trong đó có Khu bảo tồn Mura-Drava-Danube trải rộng tại 5 nước gồm Áo, Croatia, Hungary, Serbia, Slovenia và hồ Uvs Nuur nằm trên lãnh thổ Mông Cổ và Nga.
Việt Nam là nước duy nhất có 2 hồ sơ được thông qua ngay từ vòng đầu tiên xét duyệt và như vậy sau 6 năm, Việt Nam có thêm Khu dự trữ sinh quyển mới được ghi danh tầm thế giới. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa với 1 vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa, tổng diện tích 106.646,45 ha, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Hệ sinh thái rừng ở khu vực đề cử có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites- thuộc khu vực SA4), là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất. Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc tỉnh Nam Trung bộ Ninh Thuận, là nơi hội tụ cả 3 không gian rừng, biển và bán sa mạc, gồm nhiều hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Đây là nơi chung sống của hơn 1.500 loài thực vật, trong đó có 10 loài đặc hữu, 54 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Hệ động vật cũng rất phong phú với 756 loài động vật rừng, trên 350 loài san hô, hàng trăm loài động vật biển. Vùng biển Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi trên đất liền có rùa biển lên đẻ trứng hằng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng, với tổng diện tích 413.511,67ha, gồm 2 vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên. Khu dự trữ sinh quyển này này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Tên gọi Kon Hà Nừng là tên của vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam, còn gọi là "Nóc nhà Đông Dương” với đỉnh núi cao nhất hơn 1.700m với nhiều loại đặc hữu mới phát hiện gần đây như loài Khứu Kon Ka Kinh, Chà vá chân xám là loại linh trưởng đặc hữu của Việt Nam. Không chỉ sở hữu những cánh rừng rộng lớn với các đặc điểm chuyên biệt rừng Tây Nguyên, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng cơ bản giữ vẹn nguyên hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới với cây xanh lá rộng, cây lá kim, rừng thưa xanh lá kim, thảm cây bụi, trảng cỏ… có tính đa dạng sinh học cao. Trong đó, các loài động, thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao; 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú; 326 loài chim; 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là vùng rừng nhiệt đới xanh núi thấp, đặc biệt là nằm ở một phần diện tích có cư dân bản địa sinh sống
Bên cạnh đó, hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng đều chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.
Các khu dự trữ sinh quyển khi được công nhận sẽ là mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học… Đồng thời, những khu vực được công nhận bởi UNESCO này có tiềm năng to lớn trong việc cung cấp các giải pháp giải quyết một trong những thách thức quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt, đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội và giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu như nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu.
Việc UNESCO công nhận thêm hai Khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đối với bạn bè thế giới.
Các khu dự trữ sinh quyển thế giới được các nước đề cử và sau khi được UNESCO công nhận sẽ vẫn thuộc thẩm quyền quản lý của các nước.
Hiện thế giới có 727 Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại 131 nước, chiếm gần 5% diện tích trên Trái Đất.