Ứng cử viên đảng Dân chủ tranh cãi về chính sách với Trung Đông

Vụ tấn công khủng bố tại Pháp đã trở thành nội dung trọng tâm trong vấn đề chính sách đối ngoại tại cuộc tranh luận thứ hai của đảng Dân chủ diễn ra ngày 14/11 ở Đại học Drake, thành phố Des Moines, bang Iowa, Mỹ ngày 14/11.


Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton (trái, áo đỏ) trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống tại Keene, New Hampshire ngày 16/10. Ảnh: Reuters/TTXVN

Cuộc tranh luận trở nên kịch tính khi cả 3 ứng cử viên đưa ra những quan điểm trái chiều liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Đông sau khi xảy ra các vụ tấn công đẫm máu tại Paris.

Cuộc tranh luận lần này kéo dài 2 giờ do kênh truyền hình CBS của Mỹ tổ chức, với sự tham gia của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Thống đốc bang Maryland Martin O’Malley, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders.

Cựu Ngoại trưởng Clinton đã hứng chịu loạt chỉ trích từ đối thủ liên quan đến việc bà bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết Mỹ đưa quân vào Iraq hồi năm 2003 khi còn là Thượng nghị sĩ bang New York.

Thượng nghị sỹ Sanders cho rằng tình trạng bất ổn tại Trung Đông hiện nay kèm theo sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Al-Qaeda và "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng là hệ quả từ cuộc chiến trên của Mỹ. Ông tái khẳng định cuộc chiến tại Iraq là một trong những sai lầm nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong lịch sử hiện đại.

Phản bác lại quan điểm này, bà lập luận rằng quyết định này được đưa ra trong bối cảnh chủ nghĩa cực đoan thánh chiến trở thành mối đe dọa an ninh, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 nhằm vào Mỹ. Bà Clinton ủng hộ chính sách của chính quyền Tổng thống Barack Obama trước sự trỗi dậy của IS, đặc biệt là chương trình huấn luyện lực lượng nổi dậy "ôn hòa" tại Syria.

Tuy nhiên, cựu Thống đốc bang Maryland O'Malley lại phản đối quan điểm này. Ông cho rằng những động thái của chính quyền Washington tại Syria, Libya và Afghanistan là không đủ để có thể duy trì sự ổn định tại những khu vực này. Theo ông, Mỹ cần cải thiện hoạt động tình báo tại thực địa để có chính sách phù hợp hơn.

Khác với các ứng cử viên đảng Cộng hòa, trong cuộc tranh luận này, cả 3 ứng cử viên đảng Dân chủ đã cố không nhắc đến cụm từ "Hồi giáo cực đoan" mà thay vào đó là "thánh chiến cực đoan", ám chỉ từng cá nhân, phần tử có tư tưởng bạo lực.

Liên quan đến vấn đề kinh tế, ba ứng cử viên đều đồng tình trong việc nâng mức lương tối thiểu. Bà Clinton ủng hộ mức lương 12USD/giờ, trong khi ông Sanders đưa ra đề xuất là 15USD/giờ.

Bên cạnh đó, các ứng cử viên Mỹ cũng có quan điểm giống nhau về loạt vấn đề như tăng thuế đối với các doanh nghiệp và người giàu, giảm học phí. Về vấn đề kiểm soát hoạt động ngân hàng, ông Sanders đã chớp thời cơ chỉ trích quan điểm của bà Clinton đối với các công ty tài chính trên thị trường Wall Street, và nghi ngờ rằng chính sách của cựu Ngoại trưởng Mỹ này không đủ mạnh để ngăn chặn hành vi gian lận và thâu tóm của các ngân hàng lớn. Trong khi đó, ông O'Malley lại đánh giá các chính sách của bà Clinton là "nhạt nhẽo", yếu kém.

Cuộc tranh luận diễn ra vào thời điểm còn hơn hai tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên của đảng này. Theo kế hoạch, đảng Dân chủ đã lên kế hoạch tổ chức 6 cuộc tranh luận trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng này vào tháng 2/2016.

Hiện bà Clinton vẫn là ứng cửa viên nặng ký cho "tấm vé" của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Tỷ lệ ủng hộ đối với cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ này là hơn 50%, trong khi đó Thượng nghị sĩ Sanders nhận được 27% sự ủng hộ.

TTXVN/Tin Tức
Thêm chính khách Dân chủ rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng
Thêm chính khách Dân chủ rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng

Ngày 23/10, cựu Thống đốc bang Rhode Island Lincoln Chafee đã tuyên bố rút lui trong cuộc đua trở thành đại diện cho đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN