Báo cáo cho biết tỷ lệ trên đã tăng từ mức 18% hồi tháng 4/2023. Báo cáo lưu ý các cuộc giao tranh ở khu vực biên giới giữa Liban và Israel đã khiến cho hàng chục trường học ở miền Nam Liban phải đóng cửa kể từ tháng 10/2023, ảnh hưởng đến hơn 6.000 học sinh. Tài liệu này cũng nêu bật tình cảnh khó khăn của các bậc phụ huynh khi phải chật vật tìm mọi cách để có đủ khả năng chi trả cho những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và thuốc men.
Theo báo cáo, khoảng 84% số hộ gia đình tại Liban phải vay tiền để mua các mặt hàng tạp hóa thiết yếu. UNICEF kêu gọi Chính phủ Liban cần thực hiện các biện pháp nghiêm túc để đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em trên khắp cả nước.
Đại diện của UNICEF tại Liban Edouard Beigbeder nêu rõ cuộc khủng hoảng tàn khốc hiện nay tại Liban đang gây tổn hại nghiêm trọng tuổi thơ cũng như ước mơ của hàng trăm nghìn trẻ em, cướp đi quyền được học tập, được hưởng hạnh phúc và tương lai của các em. Ông kêu gọi Chính phủ Liban tăng cường nỗ lực để đảm bảo mọi trẻ em đều được đến trường và học tập, được bảo vệ tránh những tổn hại về thể chất và tinh thần, đồng thời có cơ hội phát triển và đóng góp cho xã hội.
Hệ thống tài chính của Liban bắt đầu rạn nứt vào năm 2019 và đến đầu năm 2020 nước này đã vỡ nợ. Giá trị đồng nội tệ lao dốc không phanh trong khi giá của gần như mọi loại hàng hóa đều tăng vọt, khiến cuộc sống của người dân Liban ngày một khó khăn.
Tháng 4/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo đã đạt một thỏa thuận viện trợ Liban 3 tỷ USD để giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, song chưa đáp ứng đủ các điều kiện để được giải ngân. IMF gần đây cảnh báo Liban đang trong tình thế rất nguy hiểm do việc trì hoãn một loạt cải cách, bao gồm cải cách ngành ngân hàng và tỷ giá hối đoái.