Theo Bộ Tư pháp Mỹ và Chưởng lý quận Manhattan, Cyrus Vance Jr., UniCredit Bank AG, chi nhánh tại Đức của UniCredit SpA, nhất trí với các cáo buộc của các nhà chức trách bang New York và liên bang về việc đã chuyển bất hợp pháp hàng trăm triệu USD cho các thực thể bị trừng phạt thông qua hệ thống tài chính Mỹ. Một chi nhánh khác là UniCredit Bank Austria AG đã đạt thỏa thuận không khởi tố với các nhà chức trách bang và liên bang.
UniCredit Bank AG, UniCredit Bank Austria AG và ngân hàng mẹ UniCredit SpA cũng đồng ý giải quyết các cuộc điều tra với Bộ Tài chính Mỹ, Hội đồng thống đốc của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Cơ quan Dịch vụ Tài chính New York.
UniCredit cho biết, ngân hàng đã dành ra một khoản dự phòng từ trước để chi cho việc nộp phạt, nên lợi nhuận sau thuế quý I/2019 sẽ được bổ sung 300 triệu euro (339 triệu USD). UniCredit sẽ công bố báo cáo lợi nhuận quý I vào ngày 9/5.
Thông tin hồi tuần trước cho hay Ngân hàng Standard Chartered Plc có trụ sở tại London dự kiến phải trả 1,1 tỷ USD cho các nhà chức trách Anh và Mỹ để dàn xếp cuộc điều tra gần 5 năm về vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan tới các dịch vụ mà ngân hàng này cung cấp cho các thực thể của Iran.
Ngoài UniCredit, nhiều ngân hàng cũng đã bị các nhà chức trách Mỹ và Manhattan tuyên phạt trong thập niên qua liên quan đến vi phạm các lệnh trừng phạt. BNP Paribas SA của Pháp đã thừa nhận vi phạm trong năm 2014 và nộp số tiền kỷ lục 8,9 tỷ USD. Các ngân hàng khác chịu phạt với số tiền thấp hơn, như ING Bank có trụ sở tại Amsterdam với 619 triệu USD vào năm 2012 và Credit Suisse Group AG có trụ sở tại Zurich với 536 triệu năm 2009.