AI cho biết các cuộc họp của JMC sắp tới tại Tunis sẽ tập trung vào việc giải giáp các nhóm vũ trang cũng như rút tính đánh thuê và các lực lượng nước ngoài khỏi Libya, trong bối cảnh các nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề này đến nay chưa đạt được nhiều tiến triển.
Cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh tại Libya vẫn đang diễn biến rất phức tạp sau khi kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử do LHQ bảo trợ dự kiến vào tháng 12/2021 bị hủy bỏ do các phe phái chủ chốt ở nước này không thống nhất được các quy tắc bầu cử. Hiện Libya có hai chính quyền đối địch cùng tồn tại song song kể từ tháng 3/2022 khi Quốc hội Libya ở miền Đông chỉ định ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng mới thay ông Abdulhamid al-Dbeibah, người đứng đầu Chính phủ Thống nhất quốc gia (GNU) có trụ sở ở thủ đô Tripoli.
Những diễn biến gần đây tại Libya đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Libya Najla Al-Manqoush ngày 4/6, người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nhấn mạnh giải pháp duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Libya là đối thoại quốc gia, nêu rõ chỉ đối thoại mới có thể dẫn đến một thỏa thuận chính trị. Ngoại trưởng Qatar cũng cho rằng một thỏa thuận chính trị sẽ mang đến sự ổn định lâu dài tại Libya thông qua các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống. Ông Al-Thani khẳng định sự ủng hộ của Qatar đối với người dân Libya cũng như những nỗ lực của GNU trong việc thúc đẩy ổn định tại quốc gia Bắc Phi này.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại Tripoli ngày 2/6, Đại sứ Mỹ tại Libya Richard Norland nói rằng cách giải quyết tình trạng bế tắc chính trị hiện nay ở nước này là tổ chức các cuộc bầu cử càng sớm càng tốt. Ông cũng cảnh báo "những người có hành động phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Libya sẽ bị trừng phạt và bị cô lập".
Theo các nguồn tin ngoại giao, một hội nghị quốc tế về Libya dự kiến sẽ diễn ra tại Rome (Italy) trước ngày 22/6 nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Hội nghị sẽ có sự tham gia của đại diện các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.