Theo phóng viên TTXVN tại Rome, kết quả một nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới nổi ngày 27/9, cho thấy việc tiêm vaccine có thể chống lại biến thể mới trên, mặc dù không ngăn chặn được việc lây nhiễm.
Các nhà nghiên cứu, trong đó có tác giả chính, Tiến sĩ Andreina Baj thuộc Đại học Insubria ở Varese, nói rằng việc theo dõi sự xuất hiện của bất kỳ biến thể nào mang đột biến E484K là “cấp bách” và “cực kỳ đáng quan tâm vì lý thuyết tăng khả năng miễn dịch”.
Các quan chức y tế Italy đang theo dõi biến thể mới Delta Plus, kết hợp giữa biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và đột biến E484K, liên quan đến khả năng kháng vaccine đã được xác định xảy ra ở 19 người ở Anh và 99 người khác trên khắp thế giới.
Delta Plus hiện vẫn chưa phải là một biến thể đáng lo ngại do số người mắc chưa nhiều, nhưng các nhà khoa học lo ngại biến thể này có thể bùng phát khi nhiều người được tiêm chủng hơn, tạo điều kiện cho các biến thể mới có thể kháng được vaccine.
Cho đến tháng 7/2021, cả biến thể Delta và các dòng nhánh của mình đều không mang đột biến E484K. Đột biến này xuất hiện trong biến thể Beta lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi, nhưng biến thể đó không có mức độ lây lan cao như Delta. Nghiên cứu trên cho biết sự xuất hiện của E484K ở Delta là bình thường do khả năng lây nhiễm cao của biến thể ban đầu.
Vào ngày 11/7, một người đàn ông 41 tuổi sống tại một ngôi làng nhỏ ở phía Bắc Lombardy, đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine của hãng Pfizer, được phát hiện mắc COVID-19. Sau khi giải mã gene, các nhà khoa học phát hiện người đàn ông này đã mắc biến thể Delta Plus.
Bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn mà không cần đến bệnh viện, song bà mẹ 80 tuổi của người này lại nhiễm COVID-19 vào ngày 24/7 với biến thể mới tương tự. Sau đó, 2 trường hợp khác là người cao tuổi, vốn từng có tiếp xúc với bệnh nhân thứ hai, cũng được xác định mắc COVID-19. Tuy nhiên, hai người này cũng không cần nhập viện và tự bình phục.