Nghiên cứu được tiến hành dựa trên các số liệu thu thập từ tháng 1 cho thấy người trên 80 tuổi được tiêm liều đầu tiên của một trong hai vaccine này tránh được 80% nguy cơ nhập viện trong vòng 3-4 tuần sau khi tiêm. Nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh Pháp và Đức đang cân nhắc thay đổi quan điểm đối với vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford để cho phép tiêm cho người trên 65 tuổi.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hoan nghênh nghiên cứu mới là "tin tức đặc biệt tốt lành". Ông nhấn mạnh: "Cả hai vaccine trên đều có hiệu quả cao trong việc giảm số ca nhiễm ở người trên 70 tuổi". Ông cũng cho biết thêm rằng các dữ liệu chi tiết của nghiên cứu cho thấy trong vòng 35 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine của AstraZeneca/Oxford sẽ bảo vệ bạn tốt hơn vaccine Pfizer". Theo nghiên cứu, vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả bảo vệ từ 57-61% sau liều đầu tiên, trong khi vaccine của AstraZeneca/Oxford có hiệu quả từ 60-73%.
Về phần mình, người đứng đầu cơ quan y tế vùng England, bà Mary Ramsay cho biết: "Nghiên cứu là một bằng chứng thuyết phục hơn cho thấy vaccine đang giúp giảm số ca nhiễm và ca tử vong". Tuy nhiên, bà nói thêm rằng: "Điều quan trọng phải nhớ rằng sự bảo vệ không phải là hoàn toàn và chúng ta vẫn chưa biết các vaccine này có thể giảm bao nhiêu phần trăm nguy cơ truyền virus từ người đã tiêm phòng sang người khác".
Trong một diễn biến khác, Ủy ban cố vấn quốc gia về miễn dịch của Canada ngày 1/2 ban hành hướng dẫn mới, khuyến cáo không tiêm vaccine của AstraZeneca/Oxford cho người từ 65 tuổi trở lên. Lý do đưa ra là chưa đủ thông tin về hiệu quả của vaccine này đối với độ tuổi trên.
Vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford đã được Canada cấp phép sử dụng đối với người trên 28 tuổi ngày 26/2. Khuyến cáo của ủy ban trên không mang tính ràng buộc, song có thể ảnh hưởng tới các kế hoạch tiêm phòng của từng địa phương.
Trong khi đó, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sey-kyun đã khẳng định sự an toàn của vaccine đang được xác nhận. Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu tại buổi họp liên ngành sáng 2/3, ông Chung Sey-kyun cho biết: "Sau 4 ngày triển khai chiến dịch tiêm chủng quốc gia, đến nay không ghi nhận trường hợp nào phản ứng bất lợi với vaccine. Thực tế này xác nhận sự an toàn của vaccine".
Số liệu thống kê của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho thấy có tổng cộng 23.086 người đã được tiêm vaccine. Cụ thể, vaccine của hãng AstraZeneca/Oxford được tiêm cho người trưởng thành dưới 65 tuổi, nhân viên hoặc bệnh nhân tại viện dưỡng lão trong khi vaccine của hãng Pfizer/BioNTech được tiêm cho các nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Hiện chỉ có 156 trường hợp xuất hiện phản ứng bất thường nhưng đều là các triệu chứng nhẹ và biến mất nhanh chóng.
Thủ tướng Chung Sey-kyun cũng bày tỏ lo ngại về làn sóng tin tức giả mạo liên quan đến sự an toàn của vaccine. Ông nhấn mạnh sẽ nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.