Ngày càng có nhiều quốc gia tham gia cuộc đua bào chế vaccine, coi đây như là công cụ hiệu quả nhất để sớm chặn đứng đại dịch COVID-19. Đức là trường hợp mới nhất với sản phẩm CureVac.
Dù từng được ca ngợi là “niềm hy vọng của thế giới chưa có vaccine”, vaccine CureVac (CVnCoV) do Đức nghiên cứu-phát triển lại chỉ đạt hiệu quả có 47% trong việc phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Kết quả này khiến nhiều người bất ngờ và công ty lý giải là do các biến chủng mới của virus khiến CureVac đạt hiệu quả thấp.
Công ty CureVac cho biết kết quả sơ bộ trong các giai đoạn thử nghiệm thứ 2 và 3 trên 40.000 mẫu phẩm ở 10 quốc gia châu Âu và Mỹ Latinh cho thấy vaccine CureVac “không đáp ứng được tiêu chuẩn thử nghiệm đề ra ban đầu”.
Trong một tuyên bố, công ty có trụ sở tại Tubingen này nêu rõ: “Theo phân tích tạm thời, thử nghiệm đối với 13 biến chủng virus SARS-CoV-2 hiện nay trong cộng đồng, vaccine CVnCoV cho hiệu quả bước đầu là 47% trong việc phòng dịch bệnh COVID-19 ở bất kỳ cấp độ nào”.
Giám đốc điều hành CureVac, ông Franz-Werner Haas, cho biết thêm “trong khi chúng tôi hy vọng vào một kết quả bước đầu tốt hơn, thì cũng nhận ra là việc chứng minh hiệu quả cao đối với rất nhiều biến thể virus là một thách thức. Tuy nhiên, hiệu quả tổng thế của vaccine CureVac có thể thay đổi” khi hướng tới phân tích cuối cùng.
CureVac cũng cho thấy vaccine này có hiệu quả ở những người trẻ là tốt hơn so với người già trên 60 tuổi, đối thượng dễ bị tổn thương nhất bởi dịch COVID-19. CureVac cho hay công ty này đã báo cáo kết quả thử nghiệm với Cơ quan Y khoa châu Âu (EDM).
Việc vaccine CureVac đạt hiệu quả quá thấp là điều đáng thất vọng đối với công ty của Đức, vốn được thành lập bởi một trong những kỹ sư hàng đầu người Đức về công nghệ vaccine mRNA.
Một thông tin đáng chú ý khác là vaccine CureVac hoàn toàn có thể bảo quản bình thường trong nhiệt độ tủ lạnh, giống như vaccine Sputnik V của Nga. CureVac thậm chí có thể “tồn tại” được trong môi trường phòng bình thường trong 24h.
Ngày 11/6, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết việc lưu hành vaccine CureVac có thể bị chậm lại do chưa đủ số người tham gia quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối. Ban đầu, Đức dự kiến nộp hồ sơ đề nghị châu Âu phê duyệt vaccine CureVac vào quý II năm nay. Tuy nhiên, theo ông Spahn, việc phê duyệt vaccine này có thể không diễn ra trước tháng 8 tới.
Phát biểu với truyền thông địa phương, ông Manfred Lucha, Bộ trưởng Y tế bang Baden-Wuerttemberg - nơi đặt trụ sở của công ty Tuebingen, hãng phát triển và sản xuất CureVac, thừa nhận việc thử nghiệm vaccine này gặp một số vấn đề. Không giống như vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna, vaccine của CureVac có thể được bảo quản ở nhiệt độ lạnh tiêu chuẩn. Liên minh châu Âu (EU) đã đặt mua 405 triệu liều vaccine này.
Hiện nay, Đức cũng đang hợp tác với Hàn Quốc để sản xuất và cung cấp các loại vaccine phòng COVID-19 cho thị trường. Tại cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhất trí tìm cách hợp tác nhằm đảm bảo tất cả các nước có quyền tiếp cận công bằng với vaccine phòng COVID-19, cũng như mở rộng hoạt động sản xuất và cung cấp vaccine.