Vai trò của 'Nam Bán cầu' trong nỗ lực thiết lập trật tự thế giới đa cực

Global South (tạm dịch: Nam Bán cầu) – gồm các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển ở châu Á – đang ngày càng thể hiện quyền lực trong nỗ lực thiết lập trật tự thế giới đa cực, thách thức sự thống trị của phương Tây.

Chú thích ảnh
Châu Phi. Ảnh: NASA

Theo đài Sputnik (Nga), hơn một năm rưỡi trở lại đây, mọi sự chú ý đã đổ dồn vào “Nam Bán cầu” trong bối cảnh trật tự chính trị, quân sự và kinh tế toàn cầu có những thay đổi cơ bản. Sự thay đổi này diễn ra vào thời điểm phương Tây đang lún sâu vào cuộc xung đột Nga - Ukraine, và Mỹ đang kiềm chế sức mạnh kinh tế toàn cầu cùng ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc.

Khi Nam Phi chuẩn bị tiếp đón hàng chục nhà lãnh đạo từ châu Phi và các quốc gia “Nam Bán cầu” khác đến dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg vào tuần tới, các phương tiện truyền thông Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo việc ngày càng nhiều quốc gia từ chối tuân theo chính sách chống Nga, hay đối trọng với Trung Quốc mà Washington đặt ra. Thay vào đó, nhiều nước đã thể hiện sự sẵn sàng và tầm ảnh hưởng càng tăng để hành động với tư cách là những chủ thể có chủ quyền và độc lập trên trường quốc tế.

Nam Bán cầu” được định nghĩa như thế nào?

Thuật ngữ “Nam Bán cầu” xuất hiện lần đầu trong Chiến tranh Lạnh để chỉ sự phân chia kinh tế rộng lớn giữa các quốc gia phía bắc giàu có, công nghiệp hóa nói chung và các nước đang phát triển ở phía nam. Cho đến cuối những năm 1960 và 1970, nhiều quốc gia trong số đó vẫn là một phần của thuộc địa Tây Âu, đế quốc hoặc bị chủ nghĩa thực dân mới phương Tây thống trị.

Theo nghĩa rộng hơn, Nam Bán cầu đề cập đến các quốc gia có thu nhập thấp hoặc các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế xã hội và công nghiệp tương đối kém so với các quốc gia giàu có ở phía bắc.

Sự biến mất của khối chính trị và kinh tế do Liên Xô lãnh đạo vào năm 1991, cùng sự trỗi dậy của BRICS vào cuối những năm 2000, xu hướng phi công nghiệp hóa ở nhiều nước phương Tây và những diễn biến khác đã làm dấy lên các cuộc tranh luận học thuật về giá trị của thuật ngữ “Nam Bán cầu” trong thế giới hiện đại.

Tuy nhiên, sự chia rẽ gần đây giữa phương Tây và các quốc gia đang phát triển sau cuộc khủng hoảng Ukraine, và việc các nước này không sẵn sàng cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga hay áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva, cho thấy thuật ngữ này vẫn còn giá trị sử dụng.

Chú thích ảnh
Bản đồ biểu thị các quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga (màu xanh lá cây). Ảnh: 
Wikipedia

Những quốc gia nào thuộc “Nam bán cầu”?

Hầu hết các bản đồ hiện đại đều biểu thị đường phân chia các quốc gia Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu chạy dọc theo đường chí tuyến. Mexico và phần lớn vùng Caribe, Nam Mỹ, hầu hết các nước châu Phi, Trung Đông, một số quốc gia Trung, Đông và Đông Nam Á (trừ Nhật Bản, Australia và New Zealand) được coi là thành viên của “Nam Bán cầu”.

“Nam Bán cầu” chiếm hơn 85% dân số thế giới và gần 40% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) toàn cầu.

Một số quốc gia Nam Bán cầu đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc đưa dân số thoát khỏi nghèo đói. Trong đó, khối BRICS thậm chí còn sánh ngang với các nước phương Tây hàng đầu về sức mạnh kinh tế tổng hợp. Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tự coi mình thuộc “Nam Bán cầu” giúp xây dựng các mối quan hệ chính trị và kinh tế mới dựa trên tinh thần đoàn kết.

Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói của Nam bán cầu”

Tháng 1/2023, Ấn Độ lần đầu tổ chức Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói của Nam Bán cầu”. New Delhi mô tả diễn đàn trực tuyến này là “nền tảng chung để thảo luận về các mối quan tâm, lợi ích và ưu tiên ảnh hưởng đến các nước đang phát triển; đồng thời để trao đổi ý tưởng, giải pháp và quan trọng nhất, để đưa ra tiếng nói chung trong việc giải quyết các mối quan tâm và ưu tiên”.

Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hội nghị thượng đỉnh này đã thành công tốt đẹp với sự tham gia của đại diện từ khoảng 125 quốc gia và trở thành “hội nghị số lớn nhất của các nhà lãnh đạo và bộ trưởng thuộc các quốc gia đang phát triển” từng được tổ chức.

Dù trong tương lai, tiềm năng của sáng kiến do Ấn Độ dẫn đầu vẫn chưa rõ rệt, nhưng đây có lẽ là nỗ lực quan trọng nhất kể từ khi thành lập Phong trào Không liên kết năm 1961 nhằm tạo ra một nhóm các quốc gia “Nam Bán cầu” độc lập với nhau trong thế kỷ 21.

Kỳ vọng từ các quốc gia “Nam Bán cầu”

Sự trỗi dậy của khối BRICS, bao gồm 4 quốc gia Nam Bán cầu Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cùng với Nga, thành viên không thuộc phương Tây của Bắc Bán cầu đang tìm cách thiết lập nền tảng trật tự thế giới đa cực, đang làm dấy lên nhiều hy vọng. Trong đó, giới chuyên gia nhận định rằng tình trạng mất cân bằng và bất bình đẳng về kinh tế - xã hội hiện nay giữa Bắc và Nam Bán cầu có thể dần được giải quyết thông qua những lựa chọn thay thế cho các thể chế và liên minh do phương Tây thiết lập, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và sự độc lập của các quốc gia Nam Bán cầu.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Sự mở rộng của BRICS và ý nghĩa đối với đồng đô la Mỹ
Sự mở rộng của BRICS và ý nghĩa đối với đồng đô la Mỹ

BRICS mở rộng với quy mô nào đều có thể tác động tới tốc độ mà khối này áp dụng các hệ thống thương mại và tài chính bên ngoài phạm vi đồng đô la Mỹ (USD). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN