Tính đến nay, Nga là quốc gia nước ngoài hoạt động mạnh nhất tại Syria, nhất là trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bên cạnh đó, Tổng thống Vladimir Putin cũng có mối quan hệ thân thiết với người đồng cấp Syria Bashar al-Assad.
CNN cho rằng khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd từ biên giới với Syria thì Nga có cơ hội nâng tầm ảnh hưởng tại khu vực. Năm 2015, Nga cử lực lượng không quân tới Syria tham gia chiến dịch chống tổ chức IS theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad. Chiến dịch do Nga thực hiện đã gặt hái được một số thành quả, giúp đẩy lùi IS ra khỏi lãnh thổ Syria.
Đến ngày 14/3/2016, Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh rút lui một phần lực lượng Nga khỏi Syria. Đến tháng 10 cùng năm, Chính phủ Nga quyết định duy trì căn cứ của lực lượng không quân tại Syria ở mức cơ bản.
Căn cứ quân sự chính của Nga tại Syria là Hmeimin bên bờ Địa Trung Hải, gần với thành phố Latakia. Hmeimin không chỉ là một căn cứ không quân mà còn là nơi đặt trung tâm giảm thiểu xung đột của Nga, vốn chịu trách nhiệm liên lạc với liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Syria để tránh trường hợp chiến đấu cơ hai phía va chạm.
Ở phía Nam Syria, thành phố Tartus có cơ sở hậu cần hải quân của Nga, nơi dừng chân của các tàu ngầm và chiến hạm tham gia cuộc chiến chống IS tại Syria. Ngoài hiện diện quân sự, Nga cũng góp mặt trong chuyển biến kinh tế của Syria. Nhiều công ty khai thác dầu mỏ và khí đốt của Nga đã đạt được hợp đồng khai thác tại phía Đông Syria.
Nga nhiều lần lên tiếng muốn Mỹ rút quân khỏi Syria và cho rằng hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria là trái phép. Đến ngày 6/10 vừa qua, Tổng thống Trump quyết định rút một phần quân đội Mỹ khỏi Đông Bắc Syria.
Nga ủng hộ chính phủ đương nhiệm của Syria trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ lại chống lưng cho những nhóm nổi dậy tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây đang trở thành đối tác ngày càng quan trọng của Nga tại Syria và trường chính trị thế giới.
Dù vậy, Nga không ủng hộ chiến dịch nhằm vào người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do khá đơn giản: với vai trò ủng hộ chính phủ của Tổng thống Assad, mục tiêu của Nga là giúp Damascus giành lại tất cả lãnh thổ Syria từ tay phiến quân và lực lượng nổi dậy được Mỹ ủng hộ do vậy chiến dịch vượt biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ có thể vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Syria.
Ngày 9/10, Syria đã chỉ trích tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa quân vào lãnh thổ quốc gia này.
Ở thời điểm này, Nga đã thể hiện được tiếng nói rõ ràng hơn đối với cả Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và lực lượng người Kurd. Nga chủ trương muốn tất cả các bên đàm phán để tìm ra giải pháp. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: “Chúng tôi giữ liên lạc với cả đại diện của lực lượng người Kurd và Chính phủ Syria. Nga khuyến khích hai phía đàm phán để giải quyết vấn đề tại Syria, bao gồm đảm bảo an ninh biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Nga không thể ngăn Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đến phía Bắc Syria nhưng có thể góp phần giảm thiểu đổ máu qua nỗ lực hòa giải. Ngày 9/10, Tổng thống Putin đã điện đàm và trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về vấn đề này.
Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin ông Erdogan đã nói với người đồng cấp Putin rằng chiến dịch quân sự của Ankara sẽ góp phần củng cố hòa bình và ổn định tại Syria, mở đường cho tiến trình chính trị tại quốc gia này.
Mỹ coi người Kurd là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống IS. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã coi những lực lượng Mỹ ủng hộ tại Syria như Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) là khủng bố.