Và ngay cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận, tài chính của Anh cũng sẽ ở trong tình trạng tệ hơn so với lựa chọn ở lại EU. Đây là cảnh báo đưa ra ngày 17/9 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Báo cáo thường niên của IMF dự báo kinh tế Anh sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong 2 năm 2018 và 2019 nếu Anh và EU đạt được một "thỏa thuận ly hôn", thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 1,75% nếu Anh ở lại EU.
Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo trong trường hợp hai bên không nhất trí được các điều khoản "ly hôn", Brexit sẽ dẫn đến những kết quả tồi tệ hơn cho cả hai bên.
Cụ thể, điều kiện thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU càng trắc trở, thiệt hại cho cả hai sẽ càng lớn. Ngoài ra, phía Anh sẽ chịu tổn thất lớn hơn so với EU.
Phát biểu ngay sau đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết Chính phủ Anh sẽ chú ý tới những "cảnh báo rõ ràng" này của IMF.
Theo kế hoạch, Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019. Tuy nhiên, đến nay, Anh và EU chưa đạt được "thỏa thuận ly hôn" hoàn thiện. Thủ tướng Anh Theresa May đang kỳ vọng sẽ đạt tiến triển trong cuộc gặp với giới lãnh đạo EU trong tuần này.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cùng ngày khẳng định các đối tác EU của Anh sẽ nỗ lực hết sức để tránh một "Brexit cứng". Ông Kurz đưa ra phát biểu này với báo giới tại Paris, nơi ông có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp cũng khẳng định việc Anh và EU đạt được thỏa thuận Brexit là "tuyệt đối cần thiết", bên cạnh đó cũng cần đảm bảo tôn trọng các quy định của EU.