Trả lời phỏng vấn kênh Sky News ngày 2/3, khi được hỏi liệu Slovenia ủng hộ việc trì hoãn thời hạn Brexit, một quyết định phải được sự đồng ý của tất cả 27 thành viên EU, Tổng thống Slovenia Borut Pahor, đang ở thăm Anh, khẳng định câu trả lời là "Có".
Ông nói thêm không chỉ Slovenia, mà nhiều nước châu Âu khác cũng sẽ có quan điểm tương tự để tránh một kịch bản "Brexit cứng" - không có thỏa thuận - có thể gây ra một sự ra đi của nước Anh trong hỗn loạn. Kéo dài thời hạn 29/3 là một lựa chọn đáng lưu tâm.
Tổng thống Slovenia cho rằng việc trì hoãn Brexit không giúp quá trình tìm kiếm sự thỏa hiệp trở nên dễ dàng hơn, nhưng tạo điều kiện để các nghị sĩ Anh có được một sự minh bạch và đồng thuận.
Trước đó, Trưởng phái đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier tuyên bố ông sẽ nỗ lực hết sức đảm bảo một thỏa thuận về Brexit.
Ông Barnier cho biết vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận, đồng thời đề cập khả năng kéo dài thời hạn Brexit theo kế hoạch vào ngày 29/3 nếu London có giải thích cụ thể về những việc sẽ làm trong thời gian này. Mọi sự trì hoãn sẽ phải được 27 nước EU thông qua.
Trước sức ép của các bộ trưởng ủng hộ EU, Thủ tướng Theresa May cam kết sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu về việc gia hạn thời điểm Anh rời khỏi EU nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với khối này trong trường hợp thỏa thuận Brexit sửa đổi bị Quốc hội Anh bác một lần nữa.
Theo bà May, nếu thỏa thuận này không được thông qua vào ngày 12/3 tới, chính phủ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác vào ngày 13/3 để các nhà lập pháp quyết định liệu có chấp thuận một kịch bản "Brexit cứng" hay không.
Nếu họ tiếp tục phủ quyết, Quốc hội sẽ bỏ phiếu vào ngày 14/3 về phương án tìm kiếm sự "gia hạn ngắn và có giới hạn" đối với Điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon. Bà nêu rõ cũng khẳng định Anh sẽ chỉ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 29/3 nếu có sự chấp thuận rõ ràng của Hạ viện.
Thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đạt được với EU hồi tháng 11 năm ngoái đã bị các nghị sĩ Anh bác bỏ hồi tháng trước vì họ cho rằng văn kiện này cần phải được sửa đổi.
Các nhà lập pháp Anh đang tìm cách ngăn cản Thủ tướng May đưa Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, một kịch bản mà nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới khi mọi hoạt động trao đổi thương mại, dòng chảy hàng hóa và dịch vụ đều sẽ bị đình trệ vì việc tái áp dụng các biện pháp thuế quan.