Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Ngoại trưởng Pompeo cáo buộc Iran vẫn tiếp tục theo đuổi hoạt động tên lửa, nhất là các vụ phóng và thử nghiệm kể từ sau khi Tehran và Nhóm P5+1 ký thỏa thuận hạt nhân với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông nêu rõ Iran hiện có hơn 10 hệ thống tên lửa đã được phiên chế hoặc đang phát triển, với hàng trăm tên lửa gây đe dọa cho các đối tác của Mỹ tại khu vực. Đây là hành vi vi phạm Nghị quyết 2231 và Mỹ sẽ tìm kiếm hợp tác với tất cả các nước ủy viên khác của HĐBA để tái áp đặt những điều khoản hạn chế chương trình tên lửa của Iran vốn được đề ra trong Nghị quyết 1929.
Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh ngoài vấn đề tên lửa, HĐBA cũng không nên dỡ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran vào năm 2020. Nhà ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ thất vọng với kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cứu vãn JCPOA và bảo vệ các công ty trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, cuối bài phát biểu, ông đã để ngỏ cánh cửa đối thoại với Iran, khi nói rằng Washington sẵn sàng giảm chiến dịch gây sức ép đối với Tehran và hỗ trợ tiến trình hiện đại hóa, tái hội nhập kinh tế Iran với hệ thống kinh tế quốc tế, nếu nước CH Hồi giáo cho thấy sự điều chỉnh chiến lược căn bản và tuân thủ các yêu cầu của quốc tế. Tuy nhiên, việc nới lỏng sức ép sẽ chỉ xảy ra nếu Mỹ nhận thấy được sự điều chỉnh rõ ràng và liên tục trong đường hướng chính sách của Tehran.
Đáp lại, Đại sứ Iran tại LHQ Eshagh Al Habib nhấn mạnh các tên lửa của Iran chỉ nhằm mục đích phòng vệ và không có vũ khí hạt nhân đi kèm. Theo ông, mục đích của việc Ngoại trưởng Mỹ coi Iran là mối đe dọa chỉ nhằm giúp Washington bán được nhiều vũ khí. Ông nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong lịch sử LHQ, một nước ủy viên thường trực của HĐBA lại muốn trừng phạt thành viên không phải vì vi phạm mà vì tuân thủ các nghị quyết của HĐBA. Ông khẳng định Iran sẽ không đàm phán với Mỹ do Washington là bên không đáng tin cậy.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia khẳng định không có bằng chứng nào về việc tên lửa đạn đạo của Iran có thể chứa đầu đạn hạt nhân, nhấn mạnh Tehran sẵn sàng đối thoại về vấn đề này.
Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề chính trị, bà Rosemary DiCarlo nêu rõ thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn có hiệu lực, đồng thời kêu gọi các nước thành viên ủng hộ, tránh các hành động làm suy yếu thỏa thuận.
Về phần mình, Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre kêu gọi ủng hộ thỏa thuận hạt nhân JCPOA, coi đây là cơ sở nền tảng để các nước có thể cùng nhau hoạch định một chiến lược dài hạn cho khu vực. Theo ông, chính sách trừng phạt và gây sức ép sẽ không thể chi phối điều này và chỉ có đối thoại thẳng thắn với Iran mới có thể giải quyết những mối quan ngại hiện nay.
Tháng 5 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký hồi năm 2015 giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ là Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc cùng với Đức), đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Một phần trong số những lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các lĩnh vực như chế tạo ôtô, buôn bán vàng và những kim loại quý hiếm khác đã được khôi phục cách đây hai tháng. Những lệnh trừng phạt còn lại chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11, nhằm vào lĩnh vực năng lượng và các giao dịch liên quan dầu mỏ cũng như các giao dịch của Ngân hàng Trung ương Iran. Ngoài những lệnh trừng phạt trên, chính quyền Mỹ cũng đang tìm mọi cách để cô lập Tehran.