Theo hãng tin Reuters, các nước châu Âu đang mua khí đốt với giá cao và tìm cách hạn chế sử dụng năng lượng để tránh thiếu nhiên liệu trong mùa Đông này, nhưng các dự báo thời tiết cho thấy nguy cơ một đợt rét đậm có thể làm tăng nhu cầu.
Giá khí đốt và điện ở châu Âu tăng cao đang gây ra lạm phát, cản trở hoạt động công nghiệp và khiến người tiêu dùng phải trả các hóa đơn điện cao kỷ lục trước mùa Đông ở châu Âu.
Bất chấp mức lưu trữ khí đốt cao và dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ổn định, lục địa này vẫn phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện, mất điện và việc phân bổ hạn chế năng lượng có thể làm trầm trọng thêm “nỗi đau” kinh tế.
Dự báo đầu mùa Đông do Trung tâm Dự báo Thời tiết châu Âu (ECMWF) đưa ra cho thấy châu Âu có thể phải đối mặt với một đợt lạnh giá vào tháng 12 năm nay, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng lên trong bối cảnh các nước tìm cách đối phó với nguồn cung khí đốt khan hiếm từ Nga và giá năng lượng cao ngất ngưởng.
Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus tại ECMWF, nói: "Vẫn có một nguy cơ rất lớn khi xảy ra đợt lạnh. Nếu nhiệt độ giảm, nhu cầu năng lượng để sưởi ấm sẽ tăng lên”.
Trong vài tuần tới, thời tiết ở Tây Âu dự báo ôn hòa nhờ gió Tây ấm áp từ Bắc Đại Tây Dương. Nhưng dữ liệu của ECMWF cho thấy khả năng áp suất cao trên khắp châu Âu vào tháng 12 sẽ dẫn đến không khí lạnh từ Siberia và Trung Á tràn vào và nhiệt độ có thể giảm thêm vài độ.
Dự báo trên là một cảnh báo sớm cho các công ty và chính phủ đang tìm cách đánh giá lượng khí đốt cần thiết để sưởi ấm trong các hộ gia đình.
Một đợt lạnh tăng cường có thể làm tăng nhu cầu khí đốt. Đợt lạnh vào cuối tháng 9 vừa qua đã chứng kiến mức tiêu thụ khí đốt trong các hộ gia đình và ngành công nghiệp nhỏ của Đức tăng vọt lên 14,5% so với mức trung bình trong một tuần trong 4 năm qua.
Cuneyt Kazokoglu, Giám đốc kinh tế năng lượng của công ty tư vấn FGE cho biết: “Nhu cầu từ các hộ gia đình sẽ là một dấu hỏi lớn”. Các kho lưu trữ khí đốt ở châu Âu sẽ có ích, nhưng không phải cho mọi tình huống thời tiết.
Các nước EU đã tích đầy các kho chứa khí đốt ở mức trung bình khoảng 92% công suất, bằng cách mua khí đốt không phải từ Nga với giá cao kỷ lục trong những tháng gần đây để đảm bảo nguồn cung dự phòng.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng điều này sẽ không bù đắp được sự thiếu hụt và một mùa Đông lạnh giá sẽ khiến điều này trở nên tồi tệ hơn. Khí đốt của Nga hiện chỉ chiếm chưa đến 8% nguồn cung của châu Âu, giảm so với khoảng 40% trước khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và Brussels đã cảnh báo việc cắt nguồn cung hoàn toàn là có thể xảy ra.
"Châu Âu đang có nguy cơ thiếu khoảng 7-8% nhu cầu trong mùa Đông, tương đương khoảng 20 tỷ mét khối khí đốt. Một mùa Đông khắc nghiệt có thể làm tăng gấp đôi con số đó", Emmanuel Dubois-Pelerin, Giám đốc điều hành tại S&P Global Ratings, cảnh báo.
Về phần mình, nhà phân tích Leon Izbicki của Energy Aspects cho biết một mùa Đông lạnh giá ở châu Âu có thể làm tăng thêm 8 tỷ mét khối khí nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Nhưng không chỉ vấn đề thời tiết mới là thách thức của châu Âu. Khi nguồn cung của Nga ngày càng giảm, châu Âu đã dựa vào LNG để giúp lấp đầy khoảng trống – tìm kiếm nguồn cung trên các thị trường toàn cầu, nơi họ cạnh tranh với người mua châu Á.
Nếu châu Á cũng phải đối mặt với một mùa Đông lạnh giá và cần nhiều khí đốt hơn để sưởi ấm, thì châu Âu có thể phải đối mặt với nguồn cung hạn chế và kết thúc mùa Đông với lượng dự trữ chỉ đầy 18%, mức độ mà chuyên gia Izbicki cho biết có thể gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu trong khu vực.
Nếu thời tiết lạnh giá làm cạn kiệt mức dự trữ khí đốt trong mùa Đông năm nay, châu Âu sẽ cần phải bổ sung cho mùa Đông năm sau trong bối cảnh lượng khí đốt của Nga ít hơn nhiều.
Trong khi đó, những thiệt hại vào tháng trước đối với các đường ống Nord Stream chạy dưới Biển Baltic dường như đã làm tiêu tan mọi hy vọng rằng các dòng khí đốt từ sẽ tiếp tục được bơm trở lại châu Âu. Vì vậy, như Marina Tsygankova, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại Refinitiv, nhận định: "Châu Âu sẽ phải xoay sở để nạp đầy kho dự trữ kịp thời cho mùa Đông tới".