Hai loại "hộ chiếu vaccine" đã và đang trở thành tiêu điểm thu hút sự chú ý trong thời gian gần đây. Một loại cho phép những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được tiếp cận với nhiều hoạt động hơn, ví dụ như "thẻ xanh" của Israel cho phép người sở hữu chứng nhận này được đến các địa điểm như phòng tập thể dục, khách sạn và nhà hát. Loại thứ hai cho phép những người sở hữu nó có thể thực hiện các chuyến đi du lịch quốc tế. Trong bối cảnh các chứng chỉ, chứng nhận bằng giấy đối mặt với nguy cơ bị làm giả mạo cao hơn, các quốc gia có thể sẽ tập trung hơn vào các chứng nhận kỹ thuật số.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), để có thể được chấp thuận sử dụng rộng rãi "hộ chiếu vaccine" loại thứ hai, cần phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới hậu cần, trong đó có nhu cầu về các tiêu chuẩn toàn cầu để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, cũng như chứng chỉ, chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng cần phải có khả năng và có thái độ sẵn sàng cung cấp cho người dân đã được tiêm chủng các chứng chỉ số cần thiết để sử dụng trong một hệ thống như vậy.
Một số quốc gia đã thể hiện sự nhiệt tình và hứng khởi với ý tưởng cho phép hoạt động đi lại, du lịch dựa trên tình trạng tiêm vaccine của một cá nhân. Cụ thể, tại cuộc họp hẹp vào đầu tháng này, các Bộ trưởng Kinh tế của khu vực ASEAN đã thảo luận về khả năng phát triển quy trình y tế chung đối với y tế hoặc các chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm mở lại các hành lang đi lại, du lịch.
Trong khi đó, Trung Quốc, nước đã đưa ra một chứng chỉ kỹ thuật số cho các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và tình trạng tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho công dân nước này nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, du lịch xuyên biên giới, cũng đang tìm kiếm việc thảo luận những “sự sắp xếp, bố trí” công nhận có đi có lại với các quốc gia khác. Còn Nhật Bản đang xem xét triển vọng phát hành các "hộ chiếu vaccine" nhằm cho phép công dân nước này đi du lịch nước ngoài, nếu các quốc gia khác đòi hỏi các loại hộ chiếu như vậy ngay khi nhập cảnh.
Hiện các cuộc tranh luận về đạo đức đã tập trung nhiều hơn vào "hộ chiếu vaccine" trong nước và tính hợp pháp của việc phân biệt đối xử theo tình trạng tiêm vaccine, nhất là đối với những người không được sự tiếp cận bình đẳng về vaccine. Mở rộng ra ở cấp độ quốc tế, có lo ngại cho rằng các quốc gia hoặc du khách có khả năng tiếp cận tốt hơn với vaccine sẽ được hưởng đặc ân một cách không công bằng.
Tuy nhiên, nỗi lo chính về "hộ chiếu vaccine" có lẽ là vấn đề y tế. Người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn có thể lây truyền bệnh dù không có triệu chứng lâm sàng. Trên thực tế, các kết quả cho đến nay cho thấy rằng việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền bệnh, song bức tranh tổng thể vẫn chưa rõ ràng và các chính phủ sẽ phải cân nhắc những rủi ro.
Ví dụ, nếu một người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đi du lịch ở các quốc gia không có ổ dịch, nguy cơ lây bệnh là tối thiểu. Tuy nhiên, một du khách đến từ một quốc gia có dịch bệnh hoành hành ngay cả khi họ đã được tiêm phòng, có thể không được chào đón ở quốc gia khác, trừ trường hợp dân số của quốc gia tiếp nhận cũng đã được tiêm phòng đầy đủ.
Do vậy, báo Business Times cho rằng nên coi "hộ chiếu vaccine" có thể cải thiện cơ hội thiết lập “bong bóng du lịch” và “hành lang đi lại” giữa các quốc gia có tình hình dịch bệnh được kiểm soát, song không có khả năng mở rộng cánh cửa cho cư dân của các quốc gia vẫn đang bị đại dịch COVID-19 hoành hành.