Theo trang CNA, học sinh lớp 3 này đã hành hung, lăng mạ hiệu phó khi ông cố ngăn cậu bé rời khỏi trường học khi không được phép.
Trong đoạn video do Liên đoàn giáo viên Jeonbuk công bố, học sinh này đã tát hiệu phó nhiều lần, vung ba lô vào người ông và nói những lời tục tĩu. Truyền thông địa phương đưa tin học sinh này cũng cắn và nhổ nước bọt vào hiệu phó. Bất chấp sự ngăn cản, cậu bé cuối cùng đã rời khỏi sân trường.
Hiệu phó không tự vệ, có lúc đứng thụ động, chắp tay sau lưng khi bị tấn công.
Các nhà giáo dục cho biết phản ứng của ông không phải là hiếm. Trong những trường hợp này, giáo viên thường không tự vệ bởi họ sợ bị buộc tội lạm dụng trẻ em và bị kiện ra toà.
Ông Kim Dong-seok, quan chức tại Liên đoàn Hiệp hội giáo viên Hàn Quốc, cho biết: “Hiệu phó đã chắp tay phía sau lưng khi bị tát. Một số người có thể nói: ‘Tại sao vậy? Ông ấy nên giữ tay và ngăn đứa trẻ lại”. Ông cho rằng những tuyên bố này cho thấy sự thiếu hiểu biết về thực tế.
“Nếu hiệu phó nắm tay đứa trẻ và để lại dấu vết thì sao? Đương nhiên, điều đó sẽ được báo cáo là lạm dụng trẻ em”, ông nói thêm.
Truyền thông địa phương cũng đưa tin mẹ cậu bé sau đó đã tới ngôi trường nằm ở thành phố phía Tây Jeonju này và hành hung giáo viên chủ nhiệm.
Ông Kim cho biết các nhà giáo dục ở Hàn Quốc thường bị học sinh và phụ huynh hành hung trong im lặng. Hầu hết các vụ việc này không được báo cáo vì những lý do như sợ bị trả thù, thiếu hỗ trợ khi giảng dạy và các chuẩn mực văn hóa khiến họ không muốn lên tiếng.
“Học sinh cư xử rất thiếu tôn trọng - đóng sầm cửa hoặc có những cử chỉ tục tĩu. Nếu giáo viên trình báo từng vụ việc như vậy thì sẽ có nhiều trường hợp được báo cáo. Thông thường, giáo viên phải chịu đựng những tình huống này, giả vờ không để ý hoặc bỏ qua”, ông nói.
Những trường hợp tương tự trong những năm gần đây đã khiến việc bảo vệ giáo viên và sức khỏe tâm thần trở thành tâm điểm chú ý.
Uất ức đến mức tự tử
Tháng 7 năm ngoái, một giáo viên lớp 1 đã tự kết liễu đời mình tại ngôi trường mà cô giảng dạy, nằm ở khu thượng lưu Gangnam của Seoul. Hàng trăm dòng nhật ký và tin nhắn cho thấy cô đã bị phụ huynh tại Trường tiểu học Seoi quấy rối trong nhiều tháng.
Cô gái trẻ 26 tuổi qua đời sau khi giảng dạy được một năm. Cô chỉ là một trong số nhiều giáo viên - hầu hết là giáo viên tiểu học - tự tử trên toàn quốc.
Theo dữ liệu của chính phủ, khoảng 100 giáo viên trường công đã tự tử trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2023.
Cái chết của cô đã gây ra các cuộc biểu tình kéo dài 9 tuần của hàng chục nghìn nhà giáo dục trên toàn quốc, kêu gọi các biện pháp bảo vệ quyền lợi của giáo viên.
Dự luật phục hồi quyền giáo viên
Tháng 9/2023, Seoul đã thực hiện những thay đổi quan trọng để bảo vệ nhiều hơn giáo viên và tạo điều kiện làm việc tốt hơn.
Theo luật mới, các nhà giáo dục không còn bị đình chỉ nếu bị cáo buộc lạm dụng trẻ em, chờ điều tra thêm và có bằng chứng. Giáo viên cũng đã được phép đuổi những học sinh quậy phá khỏi lớp học.
Các trường tiểu học sẽ ghi âm các cuộc điện thoại từ phụ huynh, trong khi phòng họp giáo viên - phụ huynh sẽ được lắp hệ thống camera giám sát.
Việc khiếu nại, khởi kiện của phụ huynh cũng không còn là trách nhiệm của giáo viên mà là của hiệu trưởng. Phụ huynh cũng không được cung cấp dữ liệu cá nhân của giáo viên, như số điện thoại di động.
Sau khi luật mới có hiệu lực, số lượng đơn khiếu nại đã giảm đáng kể.
Từ tháng 9/2023 đến tháng 4 năm nay, chỉ còn 5 trường hợp phụ huynh kiện giáo viên lạm dụng trẻ em – thấp hơn nhiều so với 1.702 trường hợp vào năm 2022 và 1.229 trường hợp vào năm 2021.
Thách thức vẫn tồn tại
Trong khi Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc hoan nghênh các quy định mới, một số giáo viên cho biết vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Một cuộc thăm dò gần đây chỉ ra rằng 78% trong số 11.359 giáo viên được khảo sát không nghĩ rằng điều kiện đã thay đổi đáng kể.
“Việc giải quyết khiếu nại đôi khi không được tiến hành đúng quy trình do trường học thiếu nhân sự. Vì vậy, vẫn khó có thể cảm nhận được sự cải thiện đáng kể nào về hiệu quả”, một giáo viên tiểu học từng bị phụ huynh kiện cho biết.
Giáo viên 30 tuổi này không muốn nêu tên vì anh vẫn còn bị tổn thương bởi sự việc vài năm trước. Giáo viên này đã bị phụ huynh kiện ra tòa vì cáo buộc lạm dụng sau khi anh mắng học sinh vì đứa trẻ dùng ngôn từ tục tĩu và gây rối trong lớp học. Dù đã thắng kiện, nhưng vụ việc đã khiến thầy giáo này mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý.
“Nỗi sợ hãi khi phải đối mặt với học sinh và phụ huynh ngày càng tăng lên. Trong quá trình bị cảnh sát điều tra, tôi cảm thấy thất vọng sâu sắc, như thể mọi nỗ lực của tôi với tư cách là một giáo viên đều bị phủ nhận hoàn toàn”, anh nói.
Thầy giáo này cũng nói thêm rằng anh tìm thấy niềm an ủi và thoải mái khi chia sẻ kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp.
Tháng 4 năm ngoái, một cuộc khảo sát của hiệp hội giáo viên cho thấy 26,5% giáo viên đã được tư vấn hoặc điều trị các vấn đề tâm lý liên quan đến công việc, trong khi có tới 87% đã cân nhắc bỏ việc.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của vấn đề một phần là do các giá trị xã hội nhất định ở Hàn Quốc tạo ra.
Giáo sư phúc lợi xã hội Jung Jae-hoon tại Đại học Phụ nữ Seoul giải thích: “Cha mẹ đầu tư rất nhiều vào con cái và không thể chịu đựng được cảm giác con mình bị đối xử bất công. Quan điểm méo mó về đặc quyền của cha mẹ, kết hợp với bỏ nhiều tiền cho giáo dục con cái, dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm quyền của giáo viên”.
Ngoài ra, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc thấp nhất thế giới cũng nói lên rằng các bậc cha mẹ có thể đang bao bọc con cái họ quá mức.
Cô Song Ji-ae, một bà mẹ hai con, cho biết: “Ngày nay, mọi người thường sinh ít con hơn nên mỗi đứa con đều vô cùng quý giá đối với họ. Kết quả là phụ huynh liên lạc với nhà trường thường xuyên hơn, ngay cả đối với những vấn đề rất nhỏ”.
Tuy nhiên, các giáo viên đã lên tiếng thừa nhận rằng nhận thức của công chúng đã tăng lên về những điều kiện khắc nghiệt mà giáo viên phải đối mặt. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần đã kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà giáo dục Hàn Quốc, bao gồm cả nỗ lực giảm kỳ thị và khuyến khích tìm kiếm giúp đỡ.
Bà Yvette Lau, cố vấn sức khỏe tâm thần và giáo viên đã nghỉ hưu ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết: “Ban giám hiệu nhà trường có thể hỗ trợ giáo viên bằng cách khuyến khích chia sẻ, thấu hiểu các vấn đề và thách thức mà giáo viên gặp phải, đồng thời tạo ra văn hóa giao tiếp và hỗ trợ lẫn nhau”.