Thông tin trên được ông Drew Walter, quan chức phụ trách vấn đề hạt nhân của Bộ Quốc phòng Mỹ, phát biểu trong một diễn đàn trực tuyến do Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell tổ chức vào ngày 26/5 (giờ Mỹ).
Dẫn lời nhà chức trách trên, kênh RT cho biết: “Nếu như Tổng thống chỉ đạo - vì bất kỳ lý do kỹ thuật hay vấn đề địa chính trị nào – hệ thống thử nghiệm sẽ diễn ra tương đối nhanh. Một cuộc thử nghiệm có thể diễn ra chỉ trong vài tháng”, ông Walter nhấn mạnh.
Phát ngôn của ông Walter được đưa ra sau khi báo Washington Post tuần trước có bài viết đăng tải nội dung Nhà Trắng “đang thảo luận” về việc liệu có nên triển khai vụ thử nghiệm hạt nhân thật đầu tiên của quốc gia này kể từ năm 1992.
Một quan chức cấp cao tiết lộ với tờ báo rằng cuộc thử nghiệm có thể gửi tín hiệu tới Nga và Trung Quốc, đồng thời đóng vai trò như một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí – tương tự như “vấn đề địa chính trị” mà ông Walter đã nhắc đến phía trên. Hiện một cuộc thử nghiệm hạt nhân về mặt kỹ thuật vẫn bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Tháng 8/2019, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Trong khi đó, Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) dự kiến hết hạn vào năm tới. Mặc dù phía Nga nhiều lần tỏ thái độ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận – thậm chí đề xuất đưa một vài loại vũ khí mới của họ vào trong các điều khoản hạn chế, song Mỹ luôn chần chừ và khăng khăng muốn Trung Quốc gia nhập thỏa thuận. Tuần trước, ông Marshall Billingslea - Đặc phái viên của Mỹ về kiểm soát vũ khí – kêu gọi Moskva “đưa Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán”. Trung Quốc tới nay vẫn phản đối đề xuất này.
Ngày 22/5, Washington đã bắt đầu thông báo cho 34 quốc gia thành viên tham gia ký Hiệp ước Bầu trời mở, bao gồm cả Nga, về ý định rút khỏi hiệp ước, lấy lý do “Nga liên tiếp vi phạm các điều khoản của thỏa thuận”. Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã nhận được công hàm chính thức của Mỹ về việc bắt đầu thủ tục rút khỏi hiệp ước. Các quan chức cấp cao chính quyền Mỹ thông báo, việc rút khỏi hiệp ước sẽ chính thức diễn ra trong 6 tháng tới.
Bất chấp sự phản đối của công chúng đối với một cuộc chạy đua vũ trang, các quan chức và chính sách của Mỹ dường như đang thể hiện hướng ngược lại. Khi có thông tin chính quyền cân nhắc thử nghiệm một vụ thử hạt nhân mới, Washington đã bắt tay vào nỗ lực hiện đại hóa hạt nhân trị giá 1.200 tỷ USD, đồng thời triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân năng suất thấp từ cuối tháng 1.
Trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng giữa Nga và phương Tây hiện nay, bất kỳ bước đi khiêu khích nào cũng sẽ nhận rủi ro, tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới không chỉ giữa hai cựu thù một thời, mà còn kéo theo cả các cường quốc khác vốn đang tìm cách khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Nếu xảy ra, việc Mỹ tiến hành thử hạt nhân sẽ là một bước đi vô cùng đáng quan ngại, gây rủi ro lớn đối với viễn cảnh hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu. Một vụ thử như thế sẽ vi phạm Hiệp ước cấp phổ biến hạt nhân, Hiệp ước START-3, làm xói mòn uy tín quốc tế của Mỹ cũng như các cơ chế giám sát vũ khí toàn cầu.
Nguy hiểm hơn, nếu Washington ra lệnh thử hạt nhân, động thái này có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang, nghiêm trọng hơn nữa là chạy đua hạt nhân, với những hậu quả khôn lường.