Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Rodriguez thông báo chính phủ đã thanh toán 64 triệu USD cho Liên minh Vaccine Quốc tế (GAVI) trong tổng số gần 120 triệu USD để mua vaccine ngừa COVID-19 thông qua các nguồn quỹ đang bị đóng băng ở nước ngoài.
Năm 2019, Mỹ đã quyết định phong tỏa 342 triệu USD của Ngân hàng trung ương Venezuela đang được gửi tại Mỹ như một phần trong gói trừng phạt nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Nicolas Maduro phải rời bỏ quyền lực.
Với việc Mỹ công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là lãnh đạo của Venezuela, việc sử dụng các nguồn tài chính bị phỏng tỏa của quốc gia Nam Mỹ này cần phải xin giấy phép của Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ và dường như đã được phe đối lập ở Venezuela chấp nhận đứng ra làm các thủ tục như các bên đã từng đề cập trong thời gian vừa qua.
Đến nay Venezuela mới chỉ tiếp nhận khoảng 750.000 liều vaccine ngừa COVID-19 từ một số nước như Nga và Trung Quốc. Venezuela cũng có kế hoạch sản xuất ở trong nước loại vaccine do Cuba nghiên cứu phát triển, song loại vaccine này mới đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Đến nay quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 175.812 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.785 trường hợp tử vong.
Cùng ngày, Giám đốc Hội đồng quốc gia Mexico về Khoa học và Công nghệ (Conacyt), Maria Elena Alvarez-Buylla, thông báo quốc gia này đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 đối với vaccine ngừa COVID-19 tự sản xuất Patria.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, phát biểu với báo giới, bà Maria Elena Alvarez-Buylla cho biết, nếu kết quả thử nghiệm thành công, Conacyt sẽ đề nghị các cơ quan quản lý phê duyệt sử dụng loại vaccine này vào tháng 12/2021. Conacyt sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine Patria, do phòng thí nghiệm Avimex nghiên cứu và sản xuất, đối với khoảng 100 người dân. Chính phủ Mexico đã đầu tư 7,4 triệu USD cho các dự án nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa COVID-19.
Mexico bắt đầu triển khai tiêm chủng vào cuối tháng 12/2020. Tới thời điểm hiện tại, Mexico đã hoàn tất việc tiêm chủng cho đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu chống dịch và dự kiến sẽ tiêm xong cho người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên trong tháng này, tiếp đó là những người từ 50 -59 tuổi trong tháng 4 và tháng 5, tháng 5-6/2021 cho độ tuổi 40-49 tuổi và từ tháng 6/2021 - tháng 3/2022 cho số người dân còn lại. Hiện, hơn 11,7 triệu người dân Mexico đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.
Mexico đã ký các thỏa thuận để mua 34,4 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech, 79,4 triệu liều AstraZeneca, 35 triệu liều CanSino, 24 triệu liều Sputnik V, 20 triệu liều Sinova, 12 triệu liều Sinopharm và 51,4 triệu liều theo cơ chế COVAX. Hiện tại, Mexico đã tiếp nhận 16,9 triệu liều vaccine các loại.
Cho tới nay, quốc gia Bắc Trung Mỹ này đã ghi nhận hơn 2,28 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có gần 210.000 ca tử vong.