Tổng thống Nicolas Maduro (trái) và thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles. |
Những hệ quả
Theo kết quả chính thức, MUD giành 109 ghế, Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền chỉ được 55 ghế, 3 ghế còn lại thuộc về các ứng cử viên thổ dân liên minh với MUD. Như vậy, phe đối lập đã giành 2/3 trong tổng số 167 ghế Quốc hội Venezuela, đủ để quyết định một loạt vấn đề lớn mà hiến pháp hiện nay cho phép, như giải tán Tòa án tối cao, thông qua các đạo luật, dự thảo hiến pháp mới, tiến hành các thủ tục để phế truất Tổng thống Maduro trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2019…
Trên thực tế, nhiều nghị sỹ đối lập vừa được bầu đã dọa sẽ thông qua một loạt thay đổi pháp lý nhằm hạn chế các chương trình an sinh xã hội và hệ thống quản lý theo mô hình “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” được chính quyền cánh tả thực hiện từ thời Tổng thống Hugo Chavez.
MUD chủ trương xóa bỏ sự quản lý của nhà nước đối với dịch vụ công vốn lâu nay được nhà nước trợ giá; giảm hoặc bãi bỏ các khoản trợ cấp, trợ giá về y tế, giáo dục, nhà ở, việc làm, lương thực thực phẩm, xăng dầu… vốn chiếm 60% ngân sách nhà nước; đóng cửa kênh Truyền hình Quốc hội (ANTV), hãng Thông tấn Nhà nước Venezuela (AVN) và các báo ủng hộ cánh tả. Phe đối lập cũng dự kiến thông qua các đạo luật để trả tự do cho những nhân vật đối lập bị cầm tù vì vi phạm pháp luật, trong đó có thủ lĩnh Leonardo Lopez bị kết án 13 năm tù vì cầm đầu các cuộc gây rối làm 43 người thiệt mạng năm 2014.
Trên bình diện khu vực và quốc tế, thắng lợi của phái trung hữu ở Venezuela khiến không ít người lo ngại hoặc vui mừng về một sự “thoái trào” của cánh tả ở Mỹ Latinh. Trước đó, trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai hôm 22/11/2015, ứng cử viên trung hữu Mauricio Macri đã giành thắng lợi, chấm dứt 12 năm cầm quyền của cánh tả ở Argentina. Còn tại Brazil, Tổng thống có nhiều thiện cảm với cách mạng Venezuela, bà Dilma Rousseff, đang bị phe đối lập tiến hành các thủ tục luận tội để phế truất với cáo buộc liên đới tham nhũng.
Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng quốc hội do MUD nắm đa số tuyệt đối sẽ buộc chính phủ Venezuela từ bỏ các hợp đồng kinh tế, thương mại thân thiện với một số nước. Trong đó phải kể đến các dự án dầu khí với Trung Quốc, việc cung cấp dầu khí giá hữu nghị cho Cuba và một số nước ở vùng Caribe…Tóm lại, chính sách đối nội và đối ngoại của Venezuela chắc sẽ có nhiều thay đổi sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 6/12.
Vì sao?
Để mất sự ủng hộ của đại đa số cử tri, trong đó có nhiều người gần hai thập kỷ qua từng gắn bó và tâm huyết ủng hộ quá trình cách mạng do lãnh tụ Hugo Chavez khởi xướng, đang làm cho những người chavista (người ủng hộ sự nghiệp của cố Tổng thống Chavez) phải suy ngẫm.
Tổng thống Maduro, trong diễn văn công nhận thất bại của đảng PSUV, đã đổ lỗi cho “cuộc chiến tranh kinh tế” và “chiến tranh truyền thông” của lực lượng phản cách mạng, với sự ủng hộ của “các thế lực đế quốc”. Còn theo các nhà phân tích, việc cử tri quay lưng với các ứng cử viên PSUV chủ yếu là muốn có sự thay đổi để cải thiện điều kiện sống ngày càng tồi tệ trong vài năm qua, kể từ khi giá dầu mỏ bắt đầu xuống thấp; tình trạng tội phạm gia tăng, nạn tham nhũng, “ô dù” trong bộ máy chính quyền…
Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu đều khan hiếm trong khi lạm phát ở quanh mức 100%. Những dòng người xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để mua nhu yếu phẩm, là cảnh tượng hầu như không có trong thời kỳ dầu mỏ, nguồn thu chủ yếu của Venezuela, có giá trên 100 USD/thùng.
Trên thực tế, 16 năm cầm quyền của cánh tả Venezuela, bắt đầu từ 1998, đã làm thay đổi xã hội Venezuela về mọi mặt. Các chương trình xã hội mà cố Tổng thống Chavez gọi là các “sứ mạng”- với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có Cuba- đã xóa xong nạn mù chữ; giáo dục, dịch vụ y tế, tập luyện thể thao… đều được miễn phí cho mọi người dân. Các chương trình này cũng giúp tạo việc làm, cung cấp nhà ở xã hội, xóa nghèo khổ cho đại đa số nhân dân. Venezuela cũng giúp đỡ vật chất hào phóng như dầu mỏ giá rẻ cho nhiều nước, kể cả một bộ phận người nghèo ở Mỹ và nhiều chương trình hợp tác, nhân đạo khác.
Nhưng các biện pháp quản lý kinh tế, xã hội; công tác điều hành của các cấp chính quyền cũng bộc lộ nhiều bất cập, khiến cho Venezuela không tận dụng được triệt để tiềm năng của một trong những nước có trữ lượng và sản lượng dầu khí lớn nhất thế giới. Và những khó khăn bắt đầu bùng phát từ cách đây 2 năm khi giá dầu mỏ giảm chỉ còn 1/3 so với thời kỳ hoàng kim.
Cuộc đấu tranh chưa ngã ngũ
Thắng lợi áp đảo của phe đối lập Venezuela trong cuộc bầu cử ngày 6/12, trên thực tế, càng làm cho tình hình chính trị - xã hội nước này có nguy cơ bất ổn và khó có lối thoát trong tương lai gần.
Bản thân phe đối lập MUD gồm cả chục tổ chức và chính đảng vốn chỉ tạm thời đoàn kết và thắng cử nhưng mâu thuẫn nội bộ vẫn còn đó. Họ chưa thống nhất được phương hướng ứng xử với chính phủ của Tổng thống Maduro. Nếu quốc hội mới (nhóm họp phiên đầu tiên vào ngày 5/1/2016) quyết định các thủ tục để chấm dứt nhiệm kỳ của Tổng thống Maduro thì chắc chắn một cuộc chiến nội bộ sẽ nổ ra trong lòng MUD để tranh giành ghế tổng thống với PSUV.
Ngoài ông Henrique Cariles, 43 tuổi, thủ lĩnh đảng Đầu tiên là Dân chủ được coi là người ôn hòa, và ông Leopoldo Lopez, thủ lĩnh đảng Nguyện vọng nhân dân, đang ngồi tù vì những hành động bạo lực, còn nhiều nhân vật khác có thể nhảy vào cuộc đua tranh giành quyền lực với PSUV nếu một cuộc bầu cử sớm diễn ra.
Trong khi đó, vấn đề quan trọng nhất ở Venezuela hiện nay là vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội. Phe đối lập có thể thông qua quốc hội do họ nắm giữ để gây sức ép lên chính phủ trong việc ban hành các quyết sách. Nhưng bản thân MUD cũng chưa có chương trình hành động cụ thể và khả thi nào để đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng trong bối cảnh các điều kiện trong nước và quốc tế vẫn vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, nếu thi hành các biện pháp cực đoan chắc chắn sẽ gây phẫn nộ trong dân chúng.
Về phần mình, ngày 8/12, Tổng thống Maduro đã kêu gọi nội các từ chức để cải cách chính phủ sau thất bại trong cuộc bầu cử ngày 6/12. Ông cũng thông báo triệu tập hội nghị bất thường của đảng PSUV vào ngày 11/12 này để "phê bình và tự phê bình" nhằm thảo luận phương hướng “sửa đổi mô hình xã hội chủ nghĩa". Ông cũng nhấn mạnh, cách mạng Bolivar đang bước vào một giai đoạn mới, do đó cần phải xây dựng chiến lược kinh tế và chính trị, đồng thời "chống quan liêu và tham nhũng".
Trên các diễn đàn và trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện vẫn do chính phủ kiểm soát, nhiều người ủng hộ chính phủ đã phân tích thẳng thắn những khiếm khuyết của đảng cầm quyền và kêu gọi cần nhanh chóng khắc phục và có biện pháp để bảo vệ những thành quả của cuộc Cạch mạng Bolivar.
Nghị sỹ cánh tả Freddy Bernal, người vừa thất bại trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, khẳng định: thắng lợi của MUD không có nghĩa là sự cáo chung của chủ nghĩa Chavez (chavismo), mà là thất bại về chính trị của PSUV trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Ông nhìn nhận: “Nhân dân không phản bội chúng ta, mà đã dạy chúng ta một bài học… Các đảng viên (đảng PSUV) đã dạy chúng ta một bài học. Chúng ta phải học để sửa chữa”. Ông cũng cho rằng, “vấn đề không phải là mô hình kinh tế, mà có lẽ là do chúng ta đã không có biện pháp, như thúc đẩy sản xuất, để vượt qua khủng hoảng”.
Các tác giả Toby Valderrama và Antonio Aponte thì cho rằng “đã qua rồi thời kỳ ngẫu hứng, đã đến lúc phải suy ngẫm. Chính phủ cần đổi mới, cần hồi sinh qua việc sửa chữa những sai lầm”. Hai tác giả cũng kêu gọi chính phủ trở lại với “tư tưởng xã hội chủ nghĩa”, “trở lại với Chavez” chứ không đi theo con đường cải cách...
Với một phe đối lập thiếu đoàn kết nội bộ; với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay; với tâm lý người dân đã quen với những ưu đãi của chế độ mới do lãnh tụ Chavez gây dựng; với sự chia rẽ sâu sắc về hệ tư tưởng giữa những người chavista và những người chống đối… một Venezuela ổn định thông qua hòa giải dân tộc có vẻ còn xa vời.
Thực tế ở Mỹ Latinh mấy chục năm qua cho thấy, trong một thể chế đa đảng, các đảng cầm quyền thường dễ thất bại trong bầu cử nếu tình hình kinh tế xã hội khó khăn. Nicaragua là một ví dụ, lực lượng cánh tả do ông Daniel Ortega lãnh đạo đã trở lại cầm quyền sau thời gian bị phe trung tả đánh bại. Sau thất bại ngày 6/12, những người chavista ở Venezuela đang kêu gọi bảo vệ những thành quả của cuộc Cách mạng Bolivar và sửa sai để lấy lại lòng tin của nhân dân.