Hiện Ấn Độ xếp thứ 26 trên 53 nền kinh tế lớn trong bản danh sách hàng tháng của Bloomberg. Xếp hạng này được dựa trên cách xử lý dịch bệnh hiệu quả và ít gây biến động cho nền kinh tế và xã hội nhất.
Sự cải thiện của Ấn Độ phần lớn là do nền kinh tế nhanh chóng mở cửa trở lại sau khi tình trạng lây nhiễm hàng ngày giảm xuống và tốc độ tiêm chủng được tăng nhanh. Quốc gia này hiện đã tiêm hơn một tỷ liều vaccine cho người dân.
Mức miễn dịch tự nhiên cao ở quốc gia Nam Á này cũng đóng vai trò trong việc hạn chế lây nhiễm. Các cuộc khảo sát huyết thanh học đã cho thấy tỷ lệ mắc COVID-19 trước đây đã lên tới 97% ở một số khu vực. Sau khi lập kỷ lục thế giới với hơn 400.000 ca mỗi ngày vào đầu tháng 5 trong làn sóng do biến thể Delta gây ra, số ca nhiễm mới ở quốc gia 1,4 tỷ dân hiện đã giảm xuống dưới 7.000 ca/ngày.
Yếu tố thúc đẩy khả năng phục hồi
Trong số 12 chỉ số tạo nên khả năng phục hồi của một quốc gia, yếu tố đóng góp lớn nhất vào sự tiến triển của Ấn Độ trong tháng 11 là việc mở lại biên giới cho du khách đã tiêm phòng từ nhiều nơi trên thế giới. Điều này giúp đưa New Delhi vào cùng nhóm với các nền kinh tế phát triển ở phương Tây đang chào đón du khách trở lại.
Động lực thứ hai cho bước nhảy vọt của Ấn Độ là việc tăng công suất các chuyến bay vào tháng 11 so với cùng kỳ năm 2019, khi mọi người tiếp tục đi công tác và du lịch giải trí. Sự phục hồi lưu lượng đi lại trong nước ở đã tăng lên trong vài tháng gần đây nhưng sau khi bổ sung thêm các chuyến bay quốc tế, Ấn Độ hiện nằm trong tốp 10 quốc gia về chỉ số Phục hồi năng lực bay.
Mặc dù số ca chính thức vẫn lên tới hàng nghìn người mỗi ngày nhưng so với quy mô dân số rộng lớn, tỷ lệ mắc trên đầu người của Ấn Độ hiện chỉ là 23 trên 100.000 người vào tháng 11, gần bằng với Xếp hạng số 1 của tháng 11 là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất dự kiến trong năm tài chính 2022 là 9,5% - một trong những mức cao nhất trên thế giới - cũng giúp củng cố khả năng phục hồi của Ấn Độ.
Tình hình thực tế ở Ấn Độ ra sao?
Hiện cuộc sống ở “tâm dịch” COVID-19 hồi đầu năm nay khá bình thường. Phần lớn biện pháp giới hạn ở các bang đã được dỡ bở sau khi số bệnh nhân mới có xu hướng giảm. Các trung tâm thương mại, trường học, nhà hàng, rạp chiếu phim và quán bar đã mở cửa trở lại. Nhiều nơi công sở đang yêu cầu người lao động đến làm việc trực tiếp.
Với sự xuất hiện của biến thể Omicron, giới chức y tế Ấn Độ đã nối lại thủ tục xét nghiệm COVID-19 tại sân bay cũng như cách ly tại nhà đối với những du khách đã được tiêm chủng đầy đủ đến từ những quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến thể mới. Hiện, quốc gia này vẫn chưa ghi nhận người nhiễm biến thể mới nhất.
Thách thức với việc giữ hạng
Phần lớn người dân Ấn Độ chưa tiêm liều vaccine thứ hai. Quốc gia này mới có 32% dân số hoàn thành việc tiêm chủng, trong khi nhóm người dưới 18 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm vaccine cũng chiếm đến 1/3 tổng dân số. Do đó, các nhân viên y tế đang ra sức kêu gọi người dân ở vùng nông thôn đi tiêm liều thứ hai.
Quốc gia này cũng đang đối mặt với vấn đề giải trình tự gien không đầy đủ, đồng nghĩa với việc họ không đủ nhanh để xác định và theo dõi các biến thể mới. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã bị chỉ trích vì coi thường các dấu hiệu cảnh báo sớm về sự tồn tại của biến thể Delta trước khi nó được coi là một biến thể đáng lo ngại vào tháng 5.
Sự xuất hiện của Omicron tại hơn 20 nước trong vòng một tuần qua cũng làm dấy lên lo ngại rằng Ấn Độ có thể lại phản ứng quá chậm đối với một biến thể mới. Mức độ mở cửa cao tại đây có nghĩa là nếu virus bùng phát, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh hơn so với những nơi vẫn áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Khi đó, Ấn Độ sẽ nhanh chóng tụt khỏi bảng xếp hạng khả năng phục hồi.