Theo đài Sputnik (Nga), hôm 21/5, hàng nghìn người Ấn Độ đã vi phạm quy tắc phòng dịch khi đổ xô về làng Krishnapatnam, bang Andhra Pradesh, để được nhận một liều thuốc miễn phí được cho là có thể chữa được bệnh COVID-19 một cách "thần kỳ". Loại thuốc này do một người hành nghề ưu dưỡng sinh (Ayurveda), một hệ thống y học Hindu truyền thống có nguồn gốc từ Ấn Độ, có tên là B. Anandaiah điều chế.
Dù ông Anandaiah tuyên bố loại thuốc này có được hiệu quả tốt trong việc điều trị bệnh COVID-19, nhưng đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều đó.
Tin vào lời quảng cáo của Anandaiah, hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Nellore đã rời khỏi phòng bệnh và nhanh chóng đến nhận thuốc miễn phí được điều chế bằng "kinh nghiệm" hành nghề của Anandaiah.
Đoạn video ghi lại cảnh bên trong bệnh viện cho thấy các giường bệnh trống trơn không còn bệnh nhân. Trong khi hàng nghìn video lan truyền trên Twitter cho thấy nhiều người đang xếp hàng chờ nhận thuốc. Một video ghi lại cảnh một người đàn ông mắc COVID-19 ngã gục, được cho là do lượng oxy thấp, nhưng sau đó đã đứng dậy một cách thần kỳ sau khi uống "thần dược".
Video: Người dân Ấn Độ xếp hàng tại một ngôi làng ở bang Andhra Pradesh để được phát "thần dược" miễn phí (Nguồn: Twitter):
Ngay sau khi các liều thuốc miễn phí được phân phát, Thủ hiến bang Andhra Pradesh Y.S. Jagan Mohan Reddy đã tổ chức một cuộc họp cấp cao để đánh giá tình hình. Sau đó, chính quyền bang đã quyết định gửi loại thuốc này đến Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) để nghiên cứu chi tiết về hiệu quả của nó.
Phó Tổng thống Ấn Độ M. Venkaiah Naidu cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu về loại thuốc này.
Tuy nhiên, một cựu quan chức y tế cho rằng việc điều chế thuốc không có kiểm định và phân phối thuốc rộng rãi là hành vi vi phạm pháp luật.
“Các chính quyền cần ngăn chặn dịch bệnh mê tín như vậy. Những người đang quảng cáo và điều chế loại thuốc này sẽ bị trừng phạt theo luật về dược phẩm và thuốc của Ấn Độ”, quan chức nói.
Một số người khác cũng chỉ trích hành động này và bày tỏ quan điểm phản đối trên mạng xã hội Twitter.
"Vì sao một người không có đủ tiêu chuẩn hành nghề lại được phép phát thuốc chữa một căn bệnh như COVID-19? Không có cơ sở khoa học, không có các nghiên cứu, đó chỉ là giấc mơ mà thôi", một người dùng Twitter viết.
Sau khi vật lộn với 2 đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng, Ấn Độ đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 3 được dự đoán là nguy hiểm hơn, đặc biệt là đối với trẻ em.
Tính đến ngày 23/5, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 26,5 triệu ca mắc COVID-19 với gần 300.000 trường hợp tử vong. Nhiều chuyên gia y tế nhận định các sự kiện chính trị và cuộc tụ họp tôn giáo đông đúc là nguyên nhân gây ra làn sóng COVID-19 thảm khốc thứ 2 ở nước này.