Hội thảo có sự tham gia của khoảng 30 chuyên gia, học giả hàng đầu về khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở các trung tâm, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục của Nga.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh tình hình ở Biển Đông thời gian gần đây xuất hiện nhiều diễn biến mới phức tạp, khiến dư luận quốc tế quan tâm theo dõi.
Tham luận của các diễn giả đề cập đến những căng thẳng xảy ra gần đây ở Biển Đông, các hành động đơn phương, vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông, ứng xử của các bên ở Biển Đông, vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tình hình Biển Đông, đồng thời đưa ra những đánh giá về tình hình khu vực nhìn từ góc độ pháp lý.
Học giả Pavel Gudev ở Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga (IMEMO) nhấn mạnh việc soạn thảo và ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý là yếu tố quan trọng để điều chỉnh ứng xử của các bên tranh chấp
Giáo sư, Tiến sĩ Dmitri Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học - Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng Việt Nam có đóng góp lớn cho việc duy trì hòa bình ở khu vực này, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của ASEAN trên thế giới. Theo Tiến sĩ Dmitri Mosyakov, Việt Nam kiên trì đường lối giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, luôn ủng hộ việc sớm hoàn thành và thực thi COC.
Ngoài ra, với chính sách đối ngoại đa phương, Việt Nam coi trọng việc hợp tác với các đối tác châu Á và các nước khác trên thế giới, qua đó tác động tích cực đến việc giảm bớt căng thẳng, góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Những người tham dự hội thảo cũng chia sẻ quan điểm với Tiến sỹ D.Mosyakov, nhấn mạnh đến chính sách nhất quán của Việt Nam giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Đề cập chính sách của Nga liên quan vấn đề Biển Đông, các diễn giả cho rằng Nga luôn ủng hộ các bên giải quyết tranh chấp trên cơ sở ngoại giao hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy đàm phán và sớm ký kết COC có giá trị ràng buộc pháp lý.