Báo cáo công bố ngày 6/12 của Viện nghiên cứu Hyundai cũng cảnh báo kinh tế Hàn Quốc có thể sẽ tiếp tục đà đi xuống trong quý I/2021 nếu làn sóng lây nhiễm COVID-19 bùng phát trở lại. Do đó, sự phục hồi kinh tế của nước này có thể bị chững lại cho đến nửa cuối năm 2022.
Các điều kiện kinh tế có dấu hiệu phục hồi khiêm tốn, nhưng mức chi tiêu của khu vực tư nhân giảm đã cản trở sự phục hồi kinh tế. Xuất khẩu đã tăng 4% trong tháng 11/2020, song sự phục hồi trong lĩnh vực này vẫn chưa ổn định.
Báo cáo của Viện nghiên cứu Hyundai cho hay, suy thoái kinh tế kéo dài đã làm mất nhiều việc làm trong hầu hết các ngành công nghiệp địa phương và tình hình ngày càng trầm trọng trên thị trường việc làm. Sự ổn định kinh tế của Hàn Quốc phụ thuộc vào tiêu dùng trong nước và xu hướng kinh tế toàn cầu, cũng như lĩnh vực xuất khẩu.
Theo kết quả cuộc khảo sát do Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) thực hiện với 967 nhà xuất khẩu, chỉ số khảo sát kinh doanh xuất khẩu (EBSI) của nước này trong giai đoạn từ tháng 1-3/2021 đạt 112,1. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, chỉ số EBSI vượt mức 110. Ngưỡng trên 100 thể hiện tỷ lệ người lạc quan nhiều hơn những người bi quan.
Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc kỳ vọng điều kiện kinh doanh của họ sẽ được cải thiện trong quý I/2021. Tâm lý lạc quan chủ yếu dựa vào sự phục hồi dự kiến của các lô hàng chip, hóa dầu và ô tô. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy dự báo nhu cầu toàn cầu đối với hàng điện tử và nông sản sẽ yếu hơn trong giai đoạn tháng 1-3/2021.
Tuần trước, KITA cũng đưa ra dự báo xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 6% trong năm 2021, khi các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch dự kiến sẽ dần hồi phục. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 5,2 tỷ USD trong năm 2021, so với mức ước tính 507 tỷ USD của năm nay.