Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu tại sự kiện, Tham tán Đỗ Ngọc Thuý, đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm nguồn tài chính hỗ trợ cho người tị nạn Palestine và góp phần ổn định tình hình tại khu vực này. Đại diện Việt Nam cũng khẳng định việc hỗ trợ người tị nạn không thể coi là biện pháp thay thế cho việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel - Palestine, trong đó quan trọng nhất là phải bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người Palestine thông qua việc thành lập một Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem, chung sống hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel, với các đường biên giới được quốc tế công nhận, trên cơ sở các đường ranh giới trước năm 1967 và các nghị quyết có liên quan của LHQ.
Tại cuộc họp, Cao ủy của LHQ kiêm Giám đốc UNRWA, ông Philippe Lazzarini, cho biết riêng tại Bờ Tây, mức độ bạo lực tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cung cấp dịch vụ thiết yếu của UNRWA cho người tị nạn. Số người thiệt mạng do bạo lực tại đây từ đầu năm nay đã tăng cao kỷ lục trong 17 năm qua. Gần 50% số học sinh đang học tại các trường học của UNRWA bị tổn thương tâm lý. Gần như toàn bộ người tị nạn Palestine hiện phải sống nhờ trợ cấp của UNRWA. Khoảng 80% số người tị nạn Palestine sống dưới mức nghèo.
Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4) là một trong 6 ủy ban chính của ĐHĐ LHQ, có nhiệm vụ xem xét một số vấn đề chính trị đặc biệt và gìn giữ hòa bình, trong đó có vấn đề phi thực dân hóa.
UNRWA được thành lập năm 1949, có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ về giáo dục, y tế, cứu trợ, hỗ trợ nhà ở và một số điều kiện thiết yếu cho hơn 5 triệu người Palestine tị nạn ở Bờ Tây (trong đó có Đông Jerusalem), Dải Gaza và tại Jordan, Liban và Syria. Ngân sách của UNRWA năm 2022 thiếu hụt khoảng 100 triệu USD.