Tại phiên họp diễn ra vào ngày 29/7, các nước đã tập trung thảo luận chủ đề “Chấm dứt chạy đua vũ trang về hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân”, là một trong 4 đề mục nghị sự của Hội nghị. Trước khi bắt đầu Hội nghị, Đại sứ Dương Chí Dũng đã cùng các đại biểu dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ ông Yukiya Amano), Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Phát biểu dẫn đề tại phiên thảo luận, Tổng thư ký điều hành Ủy ban trù bị Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO), ông Lassina Zerbo đã cập nhật thông tin về các nước đã ký kết hoặc phê chuẩn CTBT trong thời gian gần đây, nâng tổng số các nước ký hiệp ước này lên 184 và các nước phê chuẩn lên 164, đồng thời nhấn mạnh đây là những chuyển biến thực chất trong bối cảnh các cuộc đàm phán về không phổ biến và giải trừ quân bị đang bế tắc như hiện nay.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Đại sứ Dương Chí Dũng đề cao vai trò của CD là diễn đàn đa phương duy nhất về giải trừ vũ khí hạt nhân với sự tham gia của tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân và khẳng định việc Việt Nam ủng hộ các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân thông qua các cơ chế đa phương quốc tế và khu vực. Việt Nam đã là thành viên của tất cả các điều ước quốc tế đa phương về giải trừ vũ khí hạt nhân như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), CTBT và mới đây nhất là Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW). Đoàn Việt Nam kêu gọi các nước còn lại sớm tham gia và các quốc gia tăng cường hợp tác quốc tể để triển khai hiệu quả hơn các hiệp ước quan trọng này, đóng góp cho nỗ lực chung nhằm chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân và giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Nhiều nước tham gia phát biểu tại phiên họp đã đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức phiên thảo luận về chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân, góp phần thúc đẩy thảo luận thực chất trong khuôn khổ CD, đồng thời hoan nghênh việc Chủ tịch Việt Nam mời đại diện của CTBTO tới tham gia thảo luận tại CD, góp phần tích cực vào việc tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa Geneva và Vienna (Áo), là nơi có nhiều trụ sở của các tổ chức quốc tế về giải trừ quân bị. Các nước cho rằng CTBT là một trong các trụ cột chính trong nỗ lực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh cần sớm đưa CTBT đi vào hiệu lực, coi đây là một bước đi cần thiết để tiến tới mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Việt Nam sẽ tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội nghị Giải trừ quân bị đến hết ngày 18/8/2019.