Vợ cố Tổng thống Haiti Moïse bị cáo buộc đồng loã ám sát chồng

Martine Moïse, góa phụ của cố Tổng thống Jovenel Moïse, bị cáo buộc đồng phạm ám sát ông, dù bà cũng bị thương nặng trong vụ tấn công.

 

Chú thích ảnh
Bà Martine Moïse mặc áo chống đạn với cánh tay bị băng bó khi đến sân bay Port-au-Prince, ngày 17/7/2021. Ảnh: Bộ Truyền thông Haiti

Ngày 19/2, một thẩm phán Haiti đã truy tố 51 người vì vai trò của họ trong vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse năm 2021, bao gồm cả vợ ông, Martine Moïse, người bị cáo buộc là đồng phạm mặc dù cũng bị thương nặng trong vụ tấn công.

Bản cáo trạng dài 122 trang của thẩm phán Walther Voltaire không cáo buộc bà Moïse lên kế hoạch giết người cũng như không đưa ra bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào về sự liên quan của bà.

Thay vào đó, văn bản này nói rằng Martine Moïse và những đồng phạm khác đã đưa ra những lời khai trái ngược với các nhân chứng khác, cho thấy rằng họ đã đồng lõa trong vụ ám sát Tổng thống.

Bản cáo trạng cũng trích dẫn lời của một trong những bị cáo chính trong vụ án bị giam giữ ở Haiti, người cho rằng bà Moïse đang âm mưu cùng những người khác để chiếm đoạt ghế tổng thống.

Cáo trạng của thẩm phán Voltaire đã lặp lại những lời buộc tội trong đơn kiện hình sự do một công tố viên Haiti đệ trình lên. Trong đơn kiện này, lời cáo buộc chính thức chống lại bà Moïse là âm mưu giết người.

Luật sư của bà Moïse, Paul Turner, đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Nhưng ông Turner trước đó đã phủ nhận những cáo buộc trong đơn kiện hình sự.

“Bà Moïse là nạn nhân, giống như những đứa con của bà ở đó và chồng bà ấy”, luật sư Turner nói với tờ New York Times. Ông cho biết thân chủ của ông đang lẩn trốn và vị trí hiện tại của cô chỉ một số ít người biết đến.

Bà Moïse từ lâu đã chỉ trích cuộc điều tra của Haiti, nói rằng các quan chức tỏ ra không mấy quan tâm đến việc vạch mặt những kẻ chủ mưu vụ án.

Tổng thống Moïse, 53 tuổi, bị giết vào rạng sáng ngày 7/7/2021, khi một đội biệt kích người Colombia, do một công ty an ninh khu vực (ở Miami, Mỹ) thuê, xông vào nhà riêng tổng thống ở một vùng ngoại ô giàu có của thủ đô Haiti. Tổng thống và đệ nhất phu nhân bị bắn sau khi các tay súng vào phòng ngủ của cặp vợ chồng và lục soát nhà, dường như để tìm kiếm tài liệu và tiền mặt.

Trong tuyên bố ngay sau vụ ám sát, bà Moïse cho biết bà đã trốn dưới gầm giường của hai vợ chồng để bảo vệ mình khỏi những kẻ tấn công, theo bản cáo trạng đề ngày 25/1.

Tuy nhiên, cáo trạng nói rằng khoảng cách giữa giường và sàn là khoảng 35-45cm, làm dấy lên nghi vấn về độ tin cậy của lời khai đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times vài tuần sau khi chồng bị giết, bà Moïse kể lại việc bị bắn vào tay và cùi chỏ và nghe thấy âm thanh những kẻ tấn công đang tìm kiếm thứ gì đó trong hồ sơ của ông Moïse.

Lời buộc tội đối với người vợ góa của Tổng thống Moïse cũng dựa trên lời khai của một nhân chứng quan trọng là Joseph Badio, một cựu quan chức Bộ Tư pháp Haiti, người bị cáo buộc là một trong những kẻ dàn dựng vụ ám sát. Badio bị bắt vào tháng 10 năm ngoái sau hai năm lẩn trốn.

Theo cáo trạng, ông Badio cho biết bà Moïse đang âm mưu cùng những người khác, trong đó có Claude Joseph, thủ tướng vào thời điểm xảy ra vụ ám sát, nhằm loại bỏ chồng bà “để độc chiếm quyền lực”.

Những câu hỏi và tranh cãi quanh cáo trạng

Bất chấp cuộc điều tra kéo dài hai năm rưỡi, bản cáo trạng vẫn để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Mặc dù nó đi sâu vào một số chi tiết về đêm xảy ra vụ ám sát nhưng lại không giải thích động cơ của tội ác cũng như việc nó được tài trợ như thế nào.

Một cuộc điều tra riêng của Mỹ tại Miami (bang Florida) đã dẫn đến cáo buộc liên bang chống lại 11 người đàn ông bị buộc tội âm mưu giết ông Moïse. Sáu người đã nhận tội, trong khi năm người còn lại dự kiến sẽ bị xét xử vào tháng 5. Bà Moïse được cho là sẽ là nhân chứng của phiên toà.

Một số nhà phê bình cho biết họ tin rằng bản cáo trạng ở Haiti bị vấy bẩn bởi chính trị, cáo buộc chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm Ariel Henry sử dụng cuộc điều tra để tấn công những người chỉ trích, bao gồm cả bà Moïse và cựu Thủ tướng Joseph.

Chú thích ảnh
Thủ tướng đương nhiệm Haiti, ông Ariel Henry. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, Jean-Junior Joseph, người phát ngôn của Thủ tướng Henry, khẳng định: “Thủ tướng không có mối quan hệ trực tiếp với thẩm phán điều tra, ông cũng không kiểm soát ông ấy. Thẩm phán vẫn có quyền tự do ban hành lệnh của mình phù hợp với luật pháp và lương tâm.”

Theo hệ thống pháp luật của Haiti, hồ sơ tố tụng ban đầu được chuẩn bị bởi công tố viên Edler Guillaume, một người được bổ nhiệm bởi chính phủ hiện tại.

Những cáo buộc do thẩm phán Voltaire đưa ra có thể bị kháng cáo trong vòng 10 ngày kể từ ngày bị cáo nhận được bản sao cáo trạng.

Kể từ sau cái chết của Tổng thống Moïse, các băng nhóm đã giành quyền kiểm soát phần lớn thủ đô Port-au-Prince, giết hại và bắt cóc hàng nghìn người. Haiti không có tổng thống cũng như bất kỳ quan chức quốc gia được bầu nào khác sau khi nhiệm kỳ của các thành viên cơ quan lập pháp nước này đã hết hạn.

Liên hợp quốc đã phê chuẩn một lực lượng an ninh do Kenya dẫn đầu được triển khai tới Haiti để giúp dập tắt bạo lực. Tuy nhiên, lực lượng này đã bị tòa án Kenya ngăn cản vào tháng trước, mặc dù chính phủ Kenya cho biết họ vẫn có kế hoạch triển khai cảnh sát đến Haiti.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Bạo lực leo thang, LHQ khó tiếp tế lương thực cho Haiti
Bạo lực leo thang, LHQ khó tiếp tế lương thực cho Haiti

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết bạo lực băng nhóm gia tăng tại thủ đô Port-au-Prince của Haiti đang cản trở tổ chức này tiếp cận hàng trăm nghìn người cần nguồn cung thực phẩm khẩn cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN