Theo tờ Dailymail, các nguồn tin an ninh Mỹ cho biết họ đã muốn đóng một cổng tại sân bay quốc tế Kamid Harzai ở Kabul, Afghanistan trước vụ đánh bom do ISIS-K thực hiện. Tuy nhiên, phía Anh muốn mở cổng này để tiếp tục chiến dịch sơ tán của mình.
Nguyên nhân phía Mỹ muốn đóng cổng Abbey tại sân bay Kabul là vì đã dự báo một vụ tấn công gây thương vong lớn nhằm vào sân bay. Trong cuộc họp diễn ra chỉ 24 giờ trước vụ khủng bố sân bay ngày 26/8, Mỹ cho rằng cổng Abbey là nơi có nguy cơ cao nhất.
Trong cuộc điện đàm thứ hai lúc 0 giờ đêm 26/8, các tướng Mỹ đã vạch kế hoạch đóng cửa Abbey vào chiều 26/8. Tuy nhiên, họ đã buộc phải mở cửa để Anh tiếp tục sơ tán người dân qua cổng đó.
Sáu tiếng sau, một tên khủng bố ISIS-K mặc áo gài bom liều chết đã cho nổ tung người, gây vụ nổ giết chết 170 người, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ.
Video người dân Afghanistan làm đáng tang cho nạn nhân vụ đánh bom (nguồn: Dailymail):
Bộ Quốc phòng Anh từ chối phản ứng về các cáo buộc của Lầu Năm Góc. Bộ này nói trong một tuyên bố: “Thông qua chiến dịch Pitting, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Mỹ để đảm bảo sơ tán an toàn hàng nghìn người. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình những nạn nhân Mỹ trong vụ tấn công độc ác ở Kabul và tiếp tục ủng hộ toàn diện đồng minh thân cận nhất”.
Vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 26/8 lúc 18 giờ tại cổng Abbey của sân bay Hamid Karzai, nơi hàng nghìn người tập trung ở bên ngoài với hy vọng lên được máy bay rời Afghanistan.
Ban đầu, Lầu Năm Góc cho biết có hai vụ tấn công liều chết, gồm cả vụ ở khách sạn Baron cạnh đó – nơi người Anh đang sàng lọc người sơ tán. Ngày hôm sau, Mỹ cho biết chỉ có một vụ tấn công và cho biết nguyên nhân nhầm lẫn là do thông tin tình báo sai tại hiện trường.
Tài liệu nói trên rò rỉ trong khi những người sống sót sau vụ tấn công cho biết binh lính phương Tây làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay đã hoảng sợ và có thể đã nã súng vào đám đông, vô tình khiến số người thương vong tăng lên.
Trong số người chết có Muhammad Niazi, một lái xe taxi ở London, người đã quay lại Afghanistan để đưa gia đình ra khỏi Kabul. Vợ anh này đã thiệt mạng trong vụ nổ, còn con út và con cả của anh vẫn mất tích. Anh trai của Niazi là Abdul Hamid cho rằng đạn bắn từ các chốt bảo vệ của phương Tây đã khiến người dân thiệt mạng.
Các nhân chứng khác cho biết người thân của họ không chết vì vụ nổ mà chết vì đạn bắn nhầm sau đó. Abdul kể ông nhìn thấy lính Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại hiện trường hỗn loạn khi súng nổ phía trên đám đông.
Một người khác nói rằng bạn mình bị súng từ binh lính phương Tây bắn chết. Người này cho biết dù bạn anh không bị thương trong vụ nổ nhưng có vết đạn bắn vào đầu.
Sau vụ đánh bom, Mỹ vẫn tiếp tục sơ tán và hoàn tất chiến dịch vào ngày 30/8. Kế hoạch này kết thúc sớm hơn một ngày so với thời hạn 31/8 mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt ra. Chuyến bay cuối cùng, do một chiếc vận tải cơ quân sự C-17 thực hiện, đã cất cánh rời sân bay Hamid Karzai trong điều kiện an ninh vô cùng chặt chẽ.
Các công dân Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Kabul 12 giờ trước đó và các chuyến bay của Mỹ và liên quân đã sơ tán được 123.000 dân thường.