Theo nguồn tin trên, Văn phòng Công tố thành phố Istanbul đã kết luận rằng hai quan chức Saudi Arabia nói trên nằm trong số những đối tượng lên kế hoạch cho vụ sát hại nhà báo Khashoggi tại tòa Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul hôm 2/10.
Ông al-Assiri thường xuất hiện cùng Thái tử bin Salman trong các cuộc gặp kín với các quan chức nước ngoài, trong khi ông Qahtani là một cố vấn quan trọng của nhà lãnh đạo trẻ tuổi này. Cả hai đã bị cách chức hồi tháng 10 vừa qua sau khi Riyadh thừa nhận việc ông Khashoggi bị chết trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul sau nhiều tuần phủ nhận.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định động thái trên của Trưởng Công tố đã thể hiện thái độ rằng chính quyền Saudi Arabia sẽ không có hành động chính thức đối với những cá nhân này. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cộng đồng quốc tế vẫn nghi ngờ về cam kết của Saudi Arabia trong việc điều tra và khởi tố các đối tượng liên quan tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi, đồng thời khẳng định Riyadh chỉ có thể giải tỏa sự nghi ngờ này bằng việc dẫn độ tất cả các nghi phạm tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông báo trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi các nghị sĩ Mỹ khẳng định họ chắc chắn hơn bao giờ hết về vai trò của Thái tử bin Salman trong vụ việc này dựa trên thông tin của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Tuy nhiên, phía Saudi Arabia luôn phủ nhận mọi sự liên quan của Thái tử.
Theo tờ Washington Post, các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa đang cân nhắc khả năng thông qua một văn bản luật nhằm gửi thông điệp tới Saudi Arabia rằng Washington lên án cái chết của nhà báo Khashoggi.
Bất chấp sự chỉ trích của các nghị sĩ lưỡng đảng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nghị sĩ Cộng hòa thân cận với ông chủ Nhà Trắng cho rằng Washington không nên có động thái có thể tổn hại đến mối quan hệ với Riyadh, quốc gia vốn có vai trò quan trọng trong chính sách của Mỹ nhằm kiềm chế Iran tại Trung Đông.
Cho đến nay, phản ứng mạnh nhất của Mỹ chỉ dừng lại ở việc trừng phạt 17 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tổng thống Trump cũng bị chỉ trích về việc ông "làm ngơ" vụ sát hại nhà báo Khashoggi, bất chấp thông tin của CIA rằng Thái tử bin Salman đứng đằng sau vụ việc này, đồng thời hoan nghênh việc Saudi Arabia nỗ lực duy trì giá dầu thô ở mức thấp.
Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình xin nhập quốc tịch Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017.
Ngày 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại Istanbul, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu. Sau khi công bố kết quả điều tra sơ bộ, cơ quan công tố Saudi Arabia thông báo nhà chức trách nước này đã bắt giữ 21 người liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với kết luận sơ bộ trên của Saudi Arabia và khẳng định vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã được lên kế hoạch từ trước.