Theo báo trên, trong những năm qua, Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) có trụ sở tại Washington (Mỹ) đã tiến hành nhiều vụ điều tra về hành vi trốn thuế như “Offshore Leaks” năm 2013, “LuxLeaks” năm 2014 và “SwissLeaks” năm 2015.
Vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" khiến Bộ trưởng Tài chính Anh công khai vấn đề thuế cá nhân. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, “Hồ sơ Panama”, với 2,6 terabyte dữ liệu chứa 11,5 triệu tài liệu - nguồn thông tin lớn gấp 1.000 lần vụ WikiLeaks vào năm 2010, thực sự là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất được giới truyền thông khai thác từ trước đến nay. Có 370 nhà báo thuộc 109 tòa soạn trên toàn thế giới đã bí mật điều tra trong thời gian gần một năm từ tháng 6/2015 - 4/2016 phân tích hàng triệu tài liệu rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca của Panama.
Không chỉ phanh phui mức độ gian lận khủng khiếp làm chấn động thế giới, vụ việc còn cho thấy sức mạnh của báo chí và khả năng tập hợp các nhà báo trên toàn thế giới, qua đó khẳng định vai trò và tầm quan trọng của hợp tác xuyên biên giới giữa các tòa soạn báo trong một thế giới toàn cầu hóa.
Trong vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”, tòa soạn báo "Süddeutsche Zeitung -SZ" (Nam Đức) là cơ quan đầu tiên đăng tải thông tin sau khi nhận được tố cáo nặc danh về những bê bối bên trong công ty luật Mossack Fonseca. SZ là một tờ báo lớn, vốn nổi tiếng về việc lật tẩy các vụ trốn thuế và rửa tiền tầm cỡ, song lượng dữ liệu khổng lồ và tính chất toàn cầu của vụ việc khiến các nhà báo Đức phải liên hệ với ICIJ để phối hợp phân tích và giải mã các tài liệu. Điều này cho thấy trong giai đoạn hiện nay, một tờ báo lớn dù có uy tín và mạng lưới phóng viên tại nhiều nơi trên thế giới cũng không đủ sức tiến hành điều tra riêng rẽ trước một lượng dữ liệu khổng lồ, mà cần phải có sự hợp tác giữa các tòa soạn và không ai có thể tìm kiếm thông tin liên quan mỗi nước tốt hơn chính các nhà báo sở tại.
Trong quá trình hợp tác, các nhà báo đề cao sự chia sẻ thông tin, tin tưởng và bảo mật. Đây là các yếu tố quan trọng nhất làm nên sự thành công trong vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”. Bài viết trên tờ Le Monde nhấn mạnh việc các nhà báo và các tòa soạn tham gia điều tra cùng nhau khai thác thông tin cho thấy họ đã vượt qua được sự cạnh tranh giữa các cơ quan truyền thông, quyết tâm giữ bí mật, cùng đợi "giờ G" là ngày 3/4 để đồng loạt công bố và tạo ra cơn địa chấn toàn cầu.
Bài báo kết luận: "Nghề báo là một nghề sử dụng các công nghệ mới đồng thời đòi hỏi sự đổi mới liên tục. Hình thức trao đổi và chia sẻ dữ liệu như trong vụ điều tra 'Hồ sơ Panama' đã mở ra những triển vọng mới cho “báo chí chia sẻ” trong quá trình điều tra các vụ việc có lượng dữ liệu khổng lồ. Một thời đại mới - thời đại hợp tác báo chí - đang bắt đầu".