Trong đoạn tweet đăng ngày 12/11, ông chủ Nhà Trắng viết: “Vừa từ Pháp trở về sau khi tham dự các buổi gặp mặt với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Chưa bao giờ dễ dàng khi đề cập tới thực tế nước Mỹ cần phải được đối xử công bằng cả về quân sự và thương mại, điều mà Mỹ chưa từng có được. Chúng tôi góp công lớn trong việc chi trả chi phí để bảo vệ các nước khác, hàng trăm tỷ USD, để đổi lấy một đặc ân tuyệt vời là mất đi hàng trăm tỷ USD trong thương mại cũng với những nước đó”.
Sự tức giận của Tổng thống Trump bùng phát một ngày sau khi người đồng cấp Pháp Macron – từng được coi là “bạn tâm giao thân thiết” với ông – chỉ trích chủ nghĩa dân tộc “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump, so sánh nó với lập trường đã từng khiến châu Âu khốn đốn trong các cuộc xung đột vào đầu thế kỷ 20.
Phát biểu trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất tổ chức tại Paris, Tổng thống Macron không chỉ đích danh người đồng cấp Trump song cảnh báo “lòng yêu nước đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội lại lòng yêu nước. Khi chúng ta nói chỉ quan tâm đến lợi ích của mình trước tiên, chúng ta đã vứt bỏ những nền tảng quý giá của một quốc gia, vứt bỏ điều đã tạo nên và khiến cuộc sống trở nên tuyệt vời hơn: Đó là giá trị đạo đức".
Trong một cuộc vận động bầu cử trước người dân gần đây, Tổng thống Trump lần đầu tiên tự nhận mình là người theo “chủ nghĩa dân tộc” kể từ khi ông đắc cử.
Tuy nhiên, trong ngày 12/11, căng thẳng giữa Tổng thống Trump với các lãnh đạo đồng minh châu Âu dường như bị các vấn đề thương mại chi phối, thay vì các vấn đề về hệ tư tưởng.
Tổng thống Trump thường xuyên chỉ trích các đồng minh châu Âu không đáp ứng được các mục tiêu chi tiêu quốc phòng, khiến Mỹ phải nhận về gánh nặng chi phí an ninh của châu Âu. Hiện nay, chỉ có năm quốc gia thành viên NATO - Mỹ, Anh, Hy Lạp, Estonia và Ba Lan - hoàn thành mục tiêu phân bổ 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng, một yêu cầu căn bản để trở thành thành viên khối. Năm 2017, Mỹ đã chi 6 tỷ USD cho quốc phòng, gấp đôi chi tiêu của tất cả 28 thành viên khác gộp lại.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như quan tâm nhiều hơn trong việc tìm kiếm một lực lượng khác cho các nhu cầu quốc phòng. Trong một cuộc phỏng vấn trên radio vào tuần trước, Tổng thống Macron kêu gọi thành lập một quân đội EU có thể bảo vệ châu lục "mà không phụ thuộc vào Mỹ".