Sự kiện này cũng chính thức khép lại một năm hợp tác sôi động và hiệu quả của ASEAN 2017, đánh dấu bước đường 50 năm xây dựng và trưởng thành của một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại lễ Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Sự hiện diện cũng như những động thái của lãnh đạo các tổ chức và các nước ở Manila trong đợt hội nghị vừa qua cho thấy cộng đồng quốc tế đang thừa nhận ASEAN là một đối tác quan trọng hàng đầu, một diễn đàn hợp tác toàn diện tại khu vực để phối hợp các nỗ lực chung ứng phó với những thách thức to lớn và đa dạng mà cả thế giới đang phải đối mặt. Các tổ chức quốc tế hay các cường quốc thế giới đều đang thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thực chất với ASEAN.
Liên hợp quốc lần đầu tiên ra nghị quyết kỷ niệm thành lập một tổ chức khu vực, là Nghị quyết kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN; Trung Quốc đề xuất tầm nhìn đối tác chiến lược với ASEAN đến năm 2030; Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lần đầu tiên tham dự một hội nghị ASEAN đã khẳng định Mỹ mong muốn đẩy mạnh hợp tác với ASEAN và thắt chặt hơn nữa quan hệ với các nước thành viên ASEAN... Một lần nữa, vị thế của ASEAN được củng cố mạnh mẽ.
Thông qua các thỏa thuận đạt được tại hội nghị ASEAN-31, ASEAN và các đối tác và các cuộc gặp song phương tại Manila lần này, ASEAN đang ngày càng khẳng định vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc an ninh khu vực nhằm duy trì hoà bình, ổn định và phát triển.
Lãnh đạo 10 nước ASEAN và các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã tái khẳng định cam kết chung về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định khu vực cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả.
Việc Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 tuyên bố khởi động quá trình thương lượng xây dựng và khẳng định cần nỗ lực chung để góp phần đưa Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, ổn định và phát triển, là một nỗ lực đáng ghi nhận của các bên trong suốt thời gian qua.
Ở bình diện kinh tế, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hong Kong (Trung Quốc) vừa qua cũng như việc ASEAN và 6 nước đối tác đạt được những bước tiến mới trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để có thể đi đến ký kết thỏa thuận trong năm 2018 cũng được coi là một “điểm sáng”.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng lan rộng, cản trở những tiến bộ của tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, ASEAN đang thể hiện nỗ lực đi đầu xây dựng và đàm phán các hiệp định thương mại "chất lượng cao" mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân.
Việc các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác nhất trí tăng gấp đôi nỗ lực nhằm ký kết RCEP trong năm 2018 đã thể hiện quyết tâm của các bên trong việc hình thành khối thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 50% dân số thế giới, 39% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 25% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, qua đó đẩy mạnh vai trò đầu tàu tăng trưởng toàn cầu.
Một trong những thành công nổi bật của ASEAN-31 chính là việc các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết văn kiện “Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư”. Như vậy, sau 10 năm khởi thảo và đàm phán, ASEAN đã đi đến thống nhất, cùng cam kết bảo đảm cho người lao động di cư được thụ hưởng những quyền và lợi ích cơ bản, bảo trợ xã hội, công lý và đối xử nhân đạo.
Đồng thuận sẽ thúc đẩy và là kim chỉ nam cho các hoạt động của Ủy ban ASEAN về Lao động di cư (ACMW), hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế hiện đang được áp dụng trong ASEAN liên quan đến việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của nước phái cử và nước tiếp nhận lao động. Việc ký kết văn kiện này đã phản ánh nỗ lực của ASEAN xây dựng một Cộng đồng thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Tiếp nối vai trò thành công của Philippines, đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore đặt trọng tâm hợp tác của ASEAN trong năm tới sẽ là “Nắm lấy tương lai, hướng tới một Cộng đồng ASEAN tự cường và sáng tạo”, với ưu tiên xây dựng một ASEAN tự cường, giữ vững vai trò trung tâm, thúc đẩy sáng tạo và công nghệ.
Quốc gia này cũng khẳng định quyết tâm đảm đương tốt nhiệm vụ điều hành của nước chủ tịch, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN và các đối tác để đem lại những kết quả hợp tác thiết thực, đóng góp hiệu quả cho việc hiện thực hóa các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Mục tiêu của Singapore là tiếp tục thúc đẩy và duy trì trật tự khu vực dựa trên các luật lệ cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng cường kết nối khu vực, nhằm đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự năng động của khu vực trong việc tận dụng những cơ hội và đối phó với những thách thức.
Mục tiêu của nước Chủ tịch ASEAN 2018 không những khẳng định quyết tâm của Singapore mà còn là niềm tin của các nước thành viên vào việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững và hướng tới người dân.