Hãng thông tấn AP (Mỹ) ngày 6/4 cho biết chim cánh cụt có lẽ là loài chim duy nhất du khách có thể chiêm ngưỡng tại các vườn thú Bắc Mỹ ở thời điểm này bởi chúng vốn được nuôi nhốt trong không gian kín với lớp kính bảo vệ tách biệt. Do đó, cúm gia cầm khó có thể tác động được đến chim cánh cụt trong vườn thú.
Gần 23 triệu con gà và gà tây tại Mỹ đã bị tiêu hủy để hạn chế sự lây lan của virus gây cúm gia cầm. Trong khi đó, các vườn thú nỗ lực để ngăn ngừa nguy cơ tương tự với các loài chim của họ. Việc tiêu hủy bất cứ loài chim nào sinh sống trong vườn thú là vô cùng khó khăn, bởi phần lớn những loài chim này đều quý hiếm hoặc là loài đang bị đe dọa.
Bà Maria Franke, một quản lý tại vườn thú Toronto (Canada) cho biết: “Chúng tôi chăm sóc cẩn thận các loài động vật tại vườn thú và sức khỏe của chúng là điều quan trọng nhất. Có nhiều nhân viên mang mối quan hệ gắn kết với những loài động vật họ chăm sóc”. Nhân viên tại vườn thú Toronto còn lắp đặt thêm mái cho khu triển lãm chim ở ngoài trời đồng thời kiểm tra kép lưới bao quanh để đảm bảo chim hoang dã không lọt vào.
Các loài chim thải virus qua phân và nước mũi của chúng. Các chuyên gia cho biết virus gây cúm gia cầm còn có thể lây lan qua thiết bị, quần áo, ủng và xe chở vật tư bị ô nhiễm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những con chim nhỏ lọt vào khu trưng bày hoặc các tòa nhà của sở thú cũng có thể làm lây lan cúm gia cầm.
Cho đến nay, chưa có ghi nhận về cùm gia cầm tại vườn thú. Tuy nhiên có nhiều chim hoang dã đã chết vì cúm gia cầm.
Hầu hết biện pháp các vườn thú áp dụng nhằm mục đích ngăn ngừa tiếp xúc giữa chim hoang dã và động vật trong vườn thú. Ở một số nơi, các lãnh đạo còn yêu cầu nhân viên thay ủng sạch và mặc đồ bảo hộ trước khi vào khu vực dành cho các loài chim. Một biện pháp khác các vườn thú áp dụng là giữ các loài chim theo nhóm nhỏ do vậy nếu phát hiện một trường hợp mắc, sẽ chỉ có vài cá thể chịu ảnh hưởng.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đề xuất các vườn thú có thể ngăn ngừa việc tiêu hủy chim bằng cách cách ly những con nhiễm virus hoặc thậm chí áp dụng biện pháp an tử với số lượng nhỏ. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng nhấn mạnh chính các bác sĩ thú y sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về loài chim sẽ bị tiêu hủy.
Lãnh đạo vườn thú thành phố Kansas cho biết khách tham quan không phàn nàn nhiều và hầu hết mọi người thấy ổn thỏa với việc không thể chiêm ngưỡng một số loài chim. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm gia cầm ở người tại nước này.