Đây là lần thứ hai Tổng thống Trump tham dự WEF và gặp gỡ các lãnh đạo chính trị và kinh tế của nhiều trên thế giới trên cương vị lãnh đạo nước Mỹ.
Trong bài phát biểu, ông Trump khẳng định nền kinh tế số một thế giới đang có "thể trạng" tốt hơn rất nhiều so với những gì mà ông tưởng tượng khi nhậm chức 3 năm trước.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh các thỏa thuận thương mại mà Washington đã ký kết với Trung Quốc và Mexico trong tháng này sẽ là hình mẫu cho thế kỷ 21.
Ông chủ Nhà Trắng cũng cám ơn các công ty nước ngoài đã đầu tư vào Mỹ, đồng thời khẳng định thời điểm hoài nghi đã qua đi, giờ là lúc các doanh nghiệp tìm tới Mỹ nếu muốn thành công.
Dù WEF năm nay có chủ đề chính là môi trường, lãnh đạo nền kinh tế số một thế giới vẫn nhấn mạnh vai trò kinh tế quan trọng của dầu mỏ và khí đốt. Tổng thống Trump khẳng định ngành khai thác dầu mỏ, khí đốt và than đá của Mỹ đã thành công ngoài mong đợi và giúp nước này không phải nhập khẩu năng lượng. Qua đó, ông kêu gọi các đồng minh châu Âu mua dầu mỏ và khí đốt từ Mỹ.
Tổng thống Trump một lần nữa khẳng định đột phá công nghệ là chìa khóa tới tương lai, chứ không phải là việc hạn chế kinh tế phát triển, qua đó bác bỏ những lời kêu gọi hạn chế nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ Trái Đất trước tình trạng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ sẽ tham gia sáng kiến trồng 1.000 tỷ cây xanh bắt đầu được triển khai tại WEF năm nay, thể hiện mong muốn bảo tồn những gì tạo hóa đã ban tặng và vẻ đẹp tự nhiên của thế giới loài người.
Phát biểu của Tổng thống Trump có phần đi ngược lại với không khí chung của diễn đàn. Trước đó, phát biểu khai mạc WEF 2020, lãnh đạo nước chủ nhà Thụy Sĩ đã kêu gọi giới lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp toàn cầu chăm lo hơn tới hành tinh xanh. Nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg, khách mời của diễn đàn năm nay, cũng có bài phát biểu cảnh báo các lãnh đạo toàn cầu "hầu như không làm gì" để đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu.
WEF 2020 khai mạc ngày 21/1 tại thành phố Davos. Diễn đàn có sự tham gia của gần 3.000 đại biểu đến từ 117 quốc gia, trong đó có 53 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, chủ tịch và giám đốc điều hành của khoảng 1.000 công ty đối tác và thành viên nhằm hỗ trợ các chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc theo dõi tiến trình thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Các Mục tiêu phát triển bền vững và tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận về công nghệ và quản trị thương mại.