Tổng số người chết, cao hơn con số được cả hai bên đưa ra, chủ yếu là các tay súng, mặc dù có thể cũng có một vài dân thường, trong đó có 2 bác sĩ. WHO cũng cảnh báo cuộc xung đột tái diễn có nguy cơ làm cạn kiệt các nguồn cung cấp y tế.
LHQ cho biết số người rời bỏ nhà cửa đã lên đến 3.400 và đang tăng lên cùng với số thương vong.
Giới chức LHQ bày tỏ quan ngại dân thường có thể được sử dụng làm lá chắn sống hoặc bị buộc phải tham gia chiến đấu.
Cao ủy LHQ về nhân quyền Michelle Bachelet cho biết người dân Libya đang chở thành nạn nhân của các bên tham chiến, một số người dễ bị tổn thương nhất đang bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 8/4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã lên án tình trạng leo thang quân sự gần thủ đô Tripoli của Libya, đồng thời kêu gọi các bên ngừng giao tranh ngay lập tức để lực lượng cứu hộ khẩn cấp có thể giải cứu những người dân còn mắc kẹt ở Tripoli, trong khi khoảng 3.400 người khác đã chạy khỏi khu vực này.
Hiện các lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được LHQ hậu thuẫn đã giành lại quyền kiểm soát sân bay quốc tế Mitiga, đồng thời tiếp tục không kích nhằm vào căn cứ Al-Watiyah cách thủ đô Tripoli 130 km về phía Tây Nam. Căn cứ này được lực lượng ở miền Đông sử dụng để triển khai các đợt tấn công lực lượng thân chính phủ.
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Ở quốc gia Bắc Phi này hiện tồn tại hai chính quyền, với các lực lượng vũ trang riêng.
Lực lượng LNA trung thành với Tướng Haftar ủng hộ chính quyền ở miền Đông, trong khi GNA được quốc tế công nhận hoạt động ở Tripoli. Mặc dù hai bên đã ký thỏa thuận chính trị do LHQ bảo trợ vào cuối năm 2015, nhưng Libya vẫn chưa đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ. Hiện tại, GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội, mà vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của các nhóm vũ trang để bảo vệ thủ đô.