Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, bà Moeti cho rằng tình hình đang diễn biến rất phức tạp và các chính phủ khu vực cần nỗ lực tầm soát tất cả những người có tiếp xúc với các ca lây nhiễm trở về từ nước ngoài, nhằm cách ly và ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây truyền ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, bà Moeti kêu gọi các quốc gia tại châu Phi cần chuẩn bị cho kịch bản dịch COVID-19 có thể lan rộng hơn, tăng cường các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm đảm bảo người dân duy trì cách ly xã hội để giúp hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đồng thời thực thi các giải pháp cần thiết khác như tạm ngừng hoạt động giao thông hàng không.
Trong khi đó, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) John Nkengasong cho biết các nhà lãnh đạo châu Phi đang phối hợp với các đối tác nhằm đảm bảo nguồn cung trang bị y tế thiết yếu như máy thở trong trường hợp ca lây nhiễm gia tăng. Ông Nkengasong khẳng định những quốc gia có cơ sở công nghiệp tiên tiến như Nam Phi, Ai Cập và Maroc có thể là nơi sản xuất những trang bị này trong trường hợp cần thiết.
Tại châu Phi, dịch COVID-19 dù có tốc độ lây truyền chậm hơn so với châu Á hay châu Âu, song virus SARS-CoV-2 đã có mặt tại trên 40 quốc gia trong khu vực, với trên 2.800 ca lây nhiễm và trên 70 trường hợp tử vong.
Nam Phi hiện ban hành lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 21 ngày, trong khi một số nước khác như Ai Cập và Kenya cũng đang áp dụng lệnh giới nghiêm từ tối hôm trước tới sáng hôm sau để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, hàng loạt quốc gia châu Phi đã đóng cửa biên giới khi sự lây lan của đại dịch COVID-19 đe dọa biến lục địa 1,3 tỷ người này thành một mặt trận mới đáng báo động.
* Bộ Y tế Nam Phi ngày 26/3 thông báo, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 218 trường hợp, đưa tổng số ca nhiễm bệnh lên 927 người, gần gấp đôi so với thời điểm đầu tuần vừa rồi trong bối cảnh chỉ vài tiếng nữa Nam Phi bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong vòng 21 ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, tỉnh Gauteng - nơi có thủ đô hành chính Pretoria và thủ phủ kinh tế Johannesburg, tiếp tục là địa phương có nhiều ca mắc bệnh nhất với 409 trường hợp, sau đó là Western Cape với 229 trường hợp. Đáng chú ý, rất nhiều ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại Nam Phi trong những ngày qua bắt nguồn từ tình trạng lây lan trong cộng đồng và trong gia đình.
Cùng ngày, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đặc biệt là các thành viên có nền kinh tế phát triển nhất, hỗ trợ các gói kích thích phát triển kinh tế cho châu Phi trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan nhanh làm cạn kiệt mọi nguồn lực của châu lục này. Tổng thống Nam Phi cho biết ông và lãnh đạo các quốc gia trong khu vực cũng đã đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) xem xét việc dãn và xóa nợ cho các nước châu Phi.
Tại phiên họp trực tuyến giữa các lãnh đạo G20 khai mạc sáng cùng ngày, ông Ramaphosa cũng đã đề nghị các nước phát triển trong nhóm cần tiếp tục thực hiện các chương trình cung cấp thuốc men và thiết bị y tế cho châu Phi. Theo Tổng thống Nam Phi, các quốc gia trong châu lục đã lập ra Quỹ phòng chống COVID-19 với số tiền đóng góp ban đầu trị giá 17 triệu USD
Liên quan đến lệnh phong tỏa toàn quốc chuẩn bị có hiệu lực từ 24h ngày 26/3 đến 24h ngày 16/4, Tổng thống Ramaphosa đã gặp đại diện lực lượng cảnh sát và đại diện quân đội Nam Phi nhằm đưa ra những chỉ đạo mạnh mẽ hơn trong việc tăng cường việc thực thi một cách hiệu quả lệnh phong tỏa cũng như đảm bảo an ninh trong quá trình thực hiện.
Trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, người dân không được phép ra khỏi nhà trừ một số trường hợp đặc biệt như đi khám bệnh, mua thực phẩm thiết yếu, thuốc men và đi nhận tiền trợ cấp. Các đối tượng không nằm trong diện áp dụng lệnh phong tỏa sẽ bao gồm lực lượng y tế, lực lượng vũ trang lực lượng ứng trực chống dịch, những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, dịch vụ ngân hàng, bảo trì hệ thống điện - nước và viễn thông.