Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo ngày 1/3 tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ.
Ông Ryan cho rằng nhận định lạc quan nhất lúc này là thế giới có thể khống chế đại dịch, và bằng việc giảm số bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị và tử vong để giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng y tế này. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng số ca nhiễm mới trên toàn cầu được ghi nhận trong tuần trước đã quay đầu tăng trở lại sau 6 tuần liên tiếp giảm. Chính điều này đã khiến ông cho rằng ý nghĩ thế giới sẽ vượt qua đại dịch vào cuối năm 2021 là không thực tế.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại về sự gia tăng số ca nhiễm mới tại châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á và khu vực Địa Trung Hải. Ông cho rằng thực tế này đáng thất vọng, song không bất ngờ bởi người dân nhiều nước buông lỏng cảnh giác, một số quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong khi biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện và lây lan.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh vaccine chỉ hỗ trợ cứu mạng, do đó việc các nước phụ thuộc vào vaccine để phòng dịch là quan điểm sai lầm. Ông Tedros cho rằng nền tảng để ứng phó với dịch bệnh chính là những biện pháp y tế phòng dịch cơ bản.
Liên quan đến chương trình COVAX, chủ trương của người đứng đầu WHO là công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ triển khai tại tất cả các nước trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021, tức chỉ còn khoảng 40 ngày. Ông hoan nghênh những nước đầu tiên sử dụng vaccine trong chương trình COVAX như Ghana và Cote d'Ivore.
Dự kiến trong tuần này, sẽ có thêm 11 triệu vaccine được phân phối tới các nước thông qua COVAX và đến cuối tháng 5/2021, sẽ có 237 triệu liều vaccine được phân phối cho 142 nền kinh tế tham gia chương trình này.