Trả lời trong một cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Harris nhấn mạnh nếu không thể khôi phục lại hoạt động tại các cơ sở y tế, thì rốt cuộc nhiều người dân nơi đây sẽ thiệt mạng do bệnh tật hơn là do bom đạn.
Bà cũng một lần nữa bày tỏ quan ngại về thực trạng bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh tiêu chảy. Dẫn một báo cáo mới đây về điều kiện sống của người dân tại miền Bắc Gaza, người phát ngôn WHO cho biết tại đó không có thuốc men, vaccine, người dân không tiếp cận được với nước sạch, vệ sinh hay thực phẩm. Đáng quan ngại hơn, số trẻ sơ sinh mắc bệnh tiêu chảy đang ở mức cao. Theo bà, sự sụp đổ của bệnh viện Al Shifa ở miền Bắc Gaza là một "thảm kịch".
Trong khi đó, giới chức cấp cao Mỹ cho biết phía Mỹ đang yêu cầu Israel cần bảo vệ dân thường hơn tại Dải Gaza, hạn chế thiệt hại về cơ sở hạ tầng nếu tiến hành một chiến dịch tại miền Nam vùng lãnh thổ này, qua đó mới có thể tránh các cuộc di tản khác vốn sẽ cản trở nỗ lực cứu trợ nhân đạo.
Theo một quan chức Mỹ, Washington đã nhiều lần nói rõ với Israel rằng việc tiến hành chiến dịch quân sự xuống phía Nam Dải Gaza phải được tiến hành theo một cách mà có thể hạn chế tối đa nguy cơ dẫn tới các cuộc di tản của người dân. Quan chức này nhấn mạnh đến việc không để tái diễn tình trạng người dân di tản như ở miền Bắc hồi tháng trước tại miền Nam Gaza, bởi điều này sẽ "vượt xa khả năng của mọi mạng lưới hỗ trợ nhân đạo nào, vượt xa tình trạng rối loạn". Bên cạnh đó, kế hoạch quân sự của Israel cũng phải tránh xa các mục tiêu như cơ quan hỗ trợ nhân đạo, cơ sở cung cấp điện, nước và bệnh viện tại miền Trung và miền Nam Dải Gaza.