Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày ở thủ đô Cairo của Ai Cập, ông Al-Mandhari nói rằng các quốc gia nói trên có nguy cơ phải đối mặt với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo ông Al-Mandhari, các nước thu nhập thấp, chủ yếu là ở châu Phi, chỉ nhận được 0,6% lượng vaccine của thế giới, trong khi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhận hơn 80%. Ông Al-Mandhari nói thêm: "Những sự bất bình đẳng này tồn tại càng lâu, nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể càng lớn. Không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn".
Giám đốc Bộ phận phòng chống nguy cơ lây nhiễm khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO - ông Abdinasir Abubakr cho hay đến nay, 24 quốc gia có thể đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron. Trong khi đó, ông Richard Brennen - Trưởng bộ phận khẩn cấp khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO - nói rằng các trường hợp nhiễm biến thể Omicron ban đầu có các triệu chứng nhẹ.
Về việc ứng phó với biến thể Omicron, ông Brennen cảnh báo về sự chủ quan trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, đồng thời khuyến khích các biện pháp giãn cách xã hội. Ông Brennen nói: "Chúng tôi hiểu rằng một số quốc gia đã ban hành lệnh cấm đối với hoạt động đi lại quốc tế, song điều này cần phải được thực hiện dựa trên bằng chứng và phân tích chắc chắn". Tính đến ngày 29/11, khu vực Đông Địa Trung Hải ghi nhận hơn 16,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 309.500 trường hợp tử vong.