Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 6/7, Tiến sĩ Rabindra Abeyasinghe - Trưởng đại diện của WHO tại Philippines, cho biết Lambda đến thời điểm này vẫn được coi là “biến thể đáng quan tâm” (VOI), chứ chưa phải là “biến thể đáng lo ngại” (VOC). Điều này không đồng nghĩa WHO không theo dõi sát Lambda, vấn đề nằm ở chỗ cần có thêm nghiên cứu trước khi định danh biến thể này là VOC.
Theo quan điểm của WHO, một biến thể được liệt vào VOC nếu thỏa mãn ít nhất một số điều kiện như: Làm tăng khả năng lây lan, làm thay đổi đáng kể tình hình dịch tễ COVID-19; tăng độc lực virus hoặc tăng nặng biểu hiện lâm sàng; giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng, giảm hiệu quả biện pháp giãn cách xã hội hoặc là các loại vaccine, liệu pháp điều trị hiện hành.
Cho đến thời điểm này, có bốn biến thể được liệt vào dạng VOC, gồm Alpha, Beta, Gamma và Delta, lần lượt khởi nguồn từ Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ.
Theo ông Abeyasinghe, dư luận lo ngại Lambda – lần đầu tiên được phát hiện ở Peru, có khả năng lây lan mạnh hơn các biến thể khác. Nhưng hiện chưa có đủ thông tin, bằng chứng để kết luận vấn đề này. “Nếu nhận thấy Lambda lây lan nhanh hơn, gây bệnh nặng hơn, làm giảm hiệu quả của các biện pháp điều trị hay vaccine hiện hành, chúng tôi sẽ quyết định coi Lambda là VOC. Lambda đã xuất hiện ở 20-30 nước, nhưng chưa có các thuộc tính để định danh đây là một VOC”, đại diện của WHO lý giải.